Chiều 1-3, tại trụ sở Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Phó Tổng KTNN Nguyễn Tuấn Anh chủ trì Hội nghị Công bố quyết định kiểm toán chuyên đề công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản (TNKS), giai đoạn 2017-2021.
Dự Hội nghị có lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo UBND các tỉnh được kiểm toán và thành viên các tổ kiểm toán; tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện một số sở, ngành liên quan.
Theo Quyết định số 214, ngày 25/2/2022 của KTNN, cuộc kiểm toán chuyên đề công tác quản lý nhà nước về TNKS lần này sẽ được tiến hành tại Bộ Tài nguyên và Môi trường; các tỉnh: Yên Bái, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang, Phú Thọ, Thái Bình, Bình Định, Bình Phước và Cao Bằng.
Thời gian kiểm toán trong vòng 60 ngày, kể từ ngày ký quyết định. Phạm vi kiểm toán là trong giai đoạn 2017-2021 và các thời kỳ trước hoặc sau, có liên quan của các đơn vị được kiểm toán.
Nội dung kiểm toán gồm: Việc tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách; việc thực hiện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; việc cấp, thực hiện các loại giấy phép; việc quản lý thu, nộp ngân sách nhà nước các khoản thuế, phí, lệ phí; việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường; việc tổng hợp kết quả điều tra, thống kê, kiểm kê về khoáng sản; việc thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng liên quan đến hoạt động thăm dò, khai thác TNKS.
Dự kiến, tại Thái Nguyên, từ 7/3 đến 10/4, Tổ công tác của KTNN sẽ tiến hành kiểm toán các nội dung trên đối với UBND tỉnh, Cục Thuế tỉnh và các Sở: Tài Nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý nhà nước về TNKS. Việc thực hiện kiểm toán chuyên đề là cơ hội để tỉnh đánh giá, nhìn nhận lại một cách khách quan, toàn diện công tác chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực này, từ đó rút ra những kinh nghiệm và khắc phục những tồn tại, hạn chế (nếu có).
Đồng chí cho rằng đây là cơ hội để các địa phương, trong đó có Thái Nguyên đề xuất, kiến nghị với Trung ương những bất cập, vướng mắc vượt quá thẩm quyền. Đồng chí giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, chủ động phối hợp với Tổ Kiểm toán trong quá trình công tác tại tỉnh. Các đơn vị trong diện kiểm toán bố trí nhân sự, thời gian làm việc theo kế hoạch của Tổ Kiểm toán; chủ động cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan cho Tổ Kiểm toán, hoàn thành trước ngày 7/3/2022.
Kết luận Hội nghị, Phó Tổng KTNN nhấn mạnh việc quản trị TNKS ở nước ta còn nhiều bất cập. Điển hình là công tác kiểm soát sản lượng khoáng sản thực tế chưa chặt chẽ, gây tổn thất khoáng sản. Nhiều khu vực khai thác khoáng sản tác động xấu đến môi trường nhưng chưa được khắc phục triệt để.
Tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép vẫn diễn ra. Số lượng giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản được cấp gia tăng, trong khi việc đầu tư các dự án chế biến sâu ít được quan tâm…
Bởi vậy, mục tiêu của cuộc kiểm toán lần này là nhằm đánh giá việc thực hiện trách nhiệm, tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về TNKS; việc chấp hành các quy định trong thăm dò, khai thác TNKS và nghĩa vụ với ngân sách nhà nước của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời chỉ ra các sai phạm (nếu có) nhằm kiến nghị với các đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh, khắc phục; kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan.
Cũng qua cuộc kiểm toán này, KTNN sẽ cung cấp thông tin, số liệu tin cậy cho Quốc hội, HĐND các tỉnh giám sát về quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản. KTNN đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương phối hợp tốt với các tổ công tác của KTNN trong quá trình làm việc; đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả của hoạt động kiểm toán.