Gần đây, người dân xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) tiếp tục có ý kiến phản ánh tình trạng một số trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn trên địa bàn xả thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Đây là những trang trại đã bị cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý nhưng vẫn chưa nghiêm túc khắc phục. UBND tỉnh đang yêu cầu cơ quan chức năng và chính quyền địa phương khẩn trương vào cuộc giải quyết dứt điểm vấn đề trên.
Theo thống kê, trên địa bàn xã Tân Cương đã có ít nhất 4 trang trại nuôi lợn gây ô nhiễm bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Đó là trường hợp trang trại của gia đình ông Đàm Văn Mười. Sau khi tiến hành thanh tra tại trang trại này, tháng 10/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường kết luận: Ông Đàm Văn Mười có hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn môi trường (xả nước thải vào ao đất, không lót đáy chống thấm nằm trong khuôn viên trang trại) và hành vi khai thác nước dưới đất không có giấy phép.
Theo đó, Thanh tra Sở ra quyết định xử phạt ông Mười với tổng số tiền 68 triệu đồng, truy thu gần 32 triệu đồng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Trang trại chăn nuôi thứ hai vi phạm quy định môi trường là của gia đình ông Trần Xuân Phong. Tháng 11/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp kiểm tra thực tế tại trang trại này và ghi nhận, gia đình đã lắp đặt bổ sung 2 bể xử lý vi sinh có lót bạt chống thấm HDPE và máy sục khí; hệ thống xử lý đang hoạt động bình thường. Nước thải sau xử lý chảy qua các ao chứa sau đó chảy ra sông Công.
Tuy nhiên, dù đã có biện pháp khắc phục ô nhiễm nhưng ông Phong chưa nộp phạt theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về môi trường trước đó; chưa hoàn thành việc lập hồ sơ kế hoạch vận hành thử nghiệm công trình xử lý nước thải để được kiểm tra chấp thuận theo quy định. Sau đó, ông Phong đã cam kết tìm đơn vị tư vấn để ký hợp đồng lập hồ sơ kế hoạch vận hành thử nghiệm và báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường.
Trang trại tiếp theo là của gia đình bà Trần Thị Mai. Trang trại này lúc trước đã gây ô nhiễm môi trường, nhưng sau khi bị ngành chức năng yêu cầu xử lý gia đình bà Mai đã hoàn thành xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung; tháo dỡ các đường cống xả nước thải chưa qua xử lý ra ngoài khu vực trang trại; đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác nước dưới đất; thực hiện quan trắc giám sát môi trường định kỳ...
Tuy nhiên, trang trại chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu trang trại lập kế hoạch vận hành thử nghiệm công trình xử lý nước thải để được kiểm tra, chấp thuận theo quy định; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên trong tháng 10/2021.
Tuy nhiên, cho đến nay bà Mai chưa báo cáo kết quả thực hiện nghĩa vụ tài chính và lập hồ sơ kế hoạch vận hành thử nghiệm theo yêu cầu.
Đối với trường hợp trang trại của gia đình bà Nguyễn Thị Nhạn, tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra (tháng 7/2021), bà Nhạn mới nộp 20/339 triệu đồng tiền xử phạt vi phạm; chưa xuất hết số lợn đang chăn nuôi, chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Tháng 9/2021, ngành chức năng tiếp tục yêu cầu bà Nhạn hoàn thành việc nộp số tiền phạt còn thiếu, dừng hoạt động trang trại, không được tái đàn trong thời gian 9 tháng để khắc phục tồn tại...
Trước thực tế người dân địa phương vẫn có ý kiến về các trường hợp trên, nhất là đối với 2 trang trại của gia đình ông Trần Xuân Phong và gia đình bà Nguyễn Thị Nhạn, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với chính quyền T.P Thái Nguyên thực hiện ngay một số yêu cầu: Kiểm tra thực tế việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải và hướng dẫn gia đình ông Trần Xuân Phong thực hiện các quy định về môi trường, đồng thời giám sát, hướng dẫn bà Nguyễn Thị Nhạn nghiêm túc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính và các yêu cầu của cơ quan chức năng; không cho phép trang trại của bà Nhạn hoạt động trở lại khi chưa thực hiện xong các biện pháp khắc phục và không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi trang trại.