Mặc dù, các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực xử rác thải sinh hoạt để bảo vệ môi trường, nhưng cùng với việc lượng rác phát sinh tăng (từ 10-15%/năm) thì hạ tầng chưa được đầu tư nhiều khiến việc xử lý rác ở các địa phương gặp khó.
Hiện, lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh phát sinh gần 900 tấn/ngày, trong đó, số lượng rác thải được thu gom, xử lý đạt khoảng 85%. Theo thống kê của cơ quan chức năng, lượng rác thải sinh hoạt ở khu vực đô thị được thu gom, xử lý đạt từ 90-95%, khu vực nông thôn đạt từ 60-70% và được xử lý theo 2 hình thức là chôn lấp và lò đốt. Với những địa bàn chưa được thu gom, người dân tự chôn lấp, đốt hoặc xả ra sông suối…
Mặc dù việc chôn lấp có nhiều nhược điểm hơn so với xử lý bằng lò đốt, như: Phát tán mùi hôi thối, ruồi muỗi; rác thải lâu bị phân hủy… nhưng phần lớn lượng rác thải sinh hoạt vẫn phải xử lý theo hình thức này.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 2 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ lò đốt là Nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt Đá Mài (TP. Thái Nguyên), công suất xử lý 150 tấn/ngày và Nhà máy xử lý rác thải Đồng Hầm (TP. Phổ Yên), công suất gần 100 tấn/ngày.
Còn lại, một số địa phương có lò đốt công suất từ 1-3 tấn/ngày nên lượng rác thải sinh hoạt phải xử lý theo hình thức chôn lấp lớn. Điều này khiến nhiều bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh có nguy cơ quá tải.
Ngay như tại TP. Thái Nguyên, lượng rác thải sinh hoạt tăng mạnh sau khi sáp nhập thêm 5 xã, thị trấn (từ năm 2016 đến nay tăng khoảng 10%/năm). Vì vậy, dù Nhà máy xử lý rác thải Đá Mài bằng công nghệ lò đốt có công suất 150 tấn/năm, nhưng lượng rác phải chôn lấp vẫn khá lớn (gần 100 tấn/ngày). Với khối lượng rác chôn lấp này, Bãi rác Đá Mài sẽ bị quá tải trong khoảng 7-8 năm nữa.
Không chỉ ở các đô thị mà các địa phương khác trong tỉnh như: Định Hóa, Phú Lương, Phú Bình, Võ Nhai cũng đang gặp khó khăn trong việc xử lý rác thải sinh hoạt. Ông Nguyễn Tiến Đại, Phó trưởng Trạm Dịch vụ cấp nước và môi trường huyện Phú Bình chia sẻ: Hiện, huyện Phú Bình chỉ thu gom, xử lý khoảng 70% lượng rác thải sinh hoạt và đưa vào xử lý tại Nhà máy xử lý rác Anh Đăng. Tuy nhiên, khu xử lý rác thải Anh Đăng đã quá tải. Nguyên nhân là do diện tích khu chôn lấp hẹp (khoảng 2.000m2) và lượng rác thải tăng nhanh trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, việc xử lý rác của địa phương vẫn nhờ Nhà máy xử lý rác Anh Đăng hỗ trợ. Huyện đang quy hoạch Khu xử lý rác tại xã Tân Thành có diện tích 30ha, với mong muốn thu hút được nhà đầu tư có công nghệ xử lý hiện đại.
Ngay như tại huyện Võ Nhai - địa phương có lượng rác thải sinh hoạt được thu gom thấp nhất, (khoảng 10 tấn/ngày) cũng đang gặp khó khăn trong việc xử lý. Hiện nay, công tác thu gom rác được thực hiện tại 8 xã, thị trấn trên địa bàn huyện để đưa về bãi rác tại xóm Hùng Sơn, thị trấn Đình Cả, để xử lý.
Bà Ngô Thị Mai, Giám đốc HTX Vệ sinh môi trường Phú Cường (đơn vị thu gom, xử lý rác trên địa bàn huyện Võ Nhai) cho biết: Dù có lò đốt với công suất hơn 2 tấn/ngày, nhưng do lượng rác sinh hoạt phát sinh ngày càng nhiều, việc mở rộng địa bàn thu gom (thực hiện tiêu chí môi trường cho các địa phương của huyện), trong khi diện tích bãi rác hẹp nên có nguy cơ quá tải chỉ trong 1-2 năm tới. Vì vậy, đơn vị mong muốn huyện quy hoạch thêm 2 bãi xử lý rác cho 5 xã phía Đông Nam và cho 6 xã phía Bắc của huyện để thuận tiện cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý…
Có thể thấy, các địa phương đã và đang quan tâm đến công tác xử lý rác thải sinh hoạt, không còn điểm “nóng” về ô nhiễm tại các bãi rác. Tuy nhiên, hạ tầng phục vụ xử lý rác vẫn chưa được đầu tư nhiều. Để xây dựng được một bãi rác đảm bảo các quy chuẩn về bảo vệ môi trường thì cần rất nhiều thời gian, trong khi đó lượng rác sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn đang là thách thức đối với nhiều địa phương.