Nỗ lực thực hiện tốt các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26

12:30, 14/07/2022

Sáng 14-7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 chủ trì Phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo.

Phát biểu ý kiến tại Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tại các cuộc họp trước, chúng ta đã quán triệt các nội dung liên quan lãnh đạo, chỉ đạo về tổ chức, đưa ra một số nhiệm vụ giải pháp… Trên cơ sở tài liệu đã có, chúng ta tập trung thảo luận đánh giá lại từ phiên họp thứ 2 đến giờ đã làm được gì, chưa làm được gì, cái gì cần rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo để tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra, tháo gỡ những khó khăn, những cơ chế, chính sách pháp luật tạo thuận lợi thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26. Chống biến đổi khí hậu là vấn đề có tính toàn cầu, toàn dân, cho nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân.

Phiên họp này, chúng ta cũng xem xét cho ý kiến về dự thảo Đề án tổ chức Hội nghị đối thoại hợp tác tiết kiệm thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng của Ban Chỉ đạo đối với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển tới đây. Các tổ chức quốc tế muốn tổ chức đối thoại Việt Nam để bàn việc triển khai chống biến đổi khí hậu nói chung và tinh thần cam kết tại COP26.

Đây là hội nghị quan trọng để tăng cường nhận thức, thống nhất hành động, nhất là với các đối tác quốc tế để chúng ta có nhận thức tổng thể, khách quan liên quan thực hiện chương trình công tác, đặc biệt thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.

Các vấn đề liên quan phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, liên quan giảm phát thải methane, phát triển rừng… đặt ra cho các bộ, ngành, địa phương phải làm những gì để thực hiện. Chúng ta cũng cho các nội dung chuyển đổi năng lượng công bằng, công lý với các nước đối tác. Chúng ta đang là nước đang phát triển phải thực hiện như các nước phát triển. Do đó, phải đề nghị các đối tác dựa trên công bằng, công lý, có bước đi lộ trình phù hợp một nước đang phát triển, đòi hỏi phải có sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế về hoàn thiện thể chế, nguồn nhân lực, nguồn vốn, công nghệ, cách quản trị. Chúng ta đưa ra nguyên tắc chung đó để bàn bạc với các đối tác quốc tế.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận tập trung trọng tâm, trọng điểm, quan trọng là đưa ra giải pháp, các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, quyền hạn tổ chức thực hiện, tránh tình trạng “họp xong để đó”; sau mỗi phiên họp phải đánh giá được kết quả thực hiện của phiên họp trước, đề ra nội dung cho phiên họp tới. Vừa có vấn đề trước mắt hằng quý, hằng tháng, vừa có vấn đề dài hạn 5 năm, vì công việc này không phải chỉ làm trong vài năm mà phải có chiến lược đến 2050, nhưng trong từng năm, trong 5 năm phải đề ra mục tiêu cụ thể hoàn thành nhiệm vụ gì… để từ đó chúng ta thực hiện lộ trình khoa học, thực tiễn, hiệu quả.

Đổi mới cách lãnh đạo, chỉ đạo, từ đó từng bộ, ngành, từng cấp theo chức năng, quyền hạn tổ chức thực hiện thành công; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực tiễn xuất hiện; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các khó khăn.

Tinh thần phải hết sức bám sát công việc, có cơ quan theo dõi, đôn đốc; đổi mới, cải cách hành chính, chuẩn bị kỹ càng. Bên cạnh sự chủ động, tích cực của các bộ, ngành, địa phương thì một việc quan trọng nữa là chúng ta phải đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Phiên họp.

* Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã có các văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các cam kết tại COP26. Thực hiện trách nhiệm cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, ngày 27/5/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 2910/BTNMT-BĐKH gửi các bộ, ngành, các cơ quan liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị cập nhật tình hình triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo Ban Chỉ đạo việc triển khai thực hiện các ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo như sau:

Về tình hình triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, đối với các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương: các bộ, cơ quan liên quan đã tập trung xây dựng các Đề án, Chiến lược, Chương trình, Kế hoạch hành động để triển khai thực hiện cam kết; Đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methane đến năm 2030…

Một số bộ, ngành đã và đang xây dựng Kế hoạch hành động của ngành triển khai cam kết của Việt Nam tại COP26 (các bộ đã ban hành: Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Ngoại giao; các Bộ đang xây dựng: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Đã xây dựng và công bố Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam.

Một số bộ, ngành cũng triển khai cập nhật "Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022", xây dựng Báo cáo kế hoạch thích ứng của Việt Nam phù hợp lộ trình phát thải ròng bằng “0” và các cam kết của Việt Nam tại COP26 để gửi Ban Thư ký Công ước trước Hội nghị COP27.

Rà soát các quy định hiện hành nhằm phát hiện những vướng mắc liên quan việc giao khu vực biển để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Nghiên cứu xây dựng chương trình giảm dần việc sử dụng năng lượng hóa thạch trong ngành năng lượng, lồng ghép trong quá trình xây dựng Quy hoạch điện 8 và Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Bộ Công Thương).

Các bộ, ngành liên quan xây dựng báo cáo rà soát các dự án trao đổi tín chỉ carbon rừng, triển khai các sáng kiến thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã tham gia tại Hội nghị COP26; xây dựng Kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Nâng cao năng lực quản lý và kiểm kê khí nhà kính trong các lĩnh vực; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; xây dựng cơ chế, chính sách và lộ trình phát triển phương tiện giao thông điện (E-mobility) cho cấp quốc gia và một thành phố; triển khai các quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO)...