Theo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, để ứng phó với bão số 2, hiện nay đã huy động hơn 400 nghìn người tham gia lực lượng hỗ trợ.
Hôm nay (10-8), Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp để ứng phó với bão số 2.
Thông tin tại cuộc họp cho thấy, hiện tàu thuyền đã vào nơi tránh trú an toàn, không còn tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm. Đến chiều tối qua, đã có hơn 52.000 tàu thuyền với hơn 23.000 lao động nhận được thông báo về diễn biến bão số 2 để chủ động phòng tránh.
Theo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, để ứng phó với bão số 2, hiện nay đã huy động hơn 400 nghìn người tham gia lực lượng hỗ trợ. Trong đó phía quân đội là hơn 50.000 người, dân quân tự vệ hơn 362.000 người; hơn 2.000 phương tiện các loại được huy động sẵn sàng ứng phó với bão khi có yêu cầu.
Liên quan đến cứu hộ tàu thuyền và ngư dân gặp nạn trên biển, Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng Cứu hộ - cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, đã cứu được 9 lao động làm việc trên 2 tàu cá của tỉnh Quảng Bình bị chìm; các lực lượng đã tiếp cận và lai dắt 3 tàu gặp nạn về nơi an toàn, trong đó có 2 tàu của tỉnh Quảng Bình và 1 tàu của Hà Tĩnh.
Đại tá Nguyễn Đình Hưng cho biết: "Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục đôn đốc các đơn vị đặc biệt quan tâm khu vực vịnh Bắc Bộ. Trong đêm nay chỉ đạo các đơn vị từ Quảng Ninh đến Ninh Bình tổ chức bắn pháo hiệu cảnh báo các phương tiện hoạt động ven bờ cũng như lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản ven biển. Sẵn sàng sẵn sàng lực lượng phương tiện để tham gia ứng phó các tình huống có thể xảy ra".
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị, các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Công điện của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai. Triển khai đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; đảm bảo an toàn cho các tàu vận tải và hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; công trình đang thi công. Tuỳ theo diễn biến thực tế của bão chủ động tổ chức cấm biển. Khẩn trương rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân.
Tiếp tục kêu gọi, hướng dẫn các tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn và quản lý chặt chẽ tàu thuyền, kể cả tàu thuyền nhỏ đánh bắt ven bờ khu vực nuôi trồng thủy sản. Chủ động tiêu nước đệm bảo vệ cây trồng.