Nhiều năm qua, nguồn nước sông Thần Sa, một trong những phụ lưu của sông Cầu bị ô nhiễm nặng do ảnh hưởng của hoạt động khai thác khoáng sản ở phía thượng nguồn. Vấn đề này đã được người dân và các cơ quan báo chí nhiều lần phản ánh, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Phóng viên Báo Thái Nguyên khảo sát khu vực Mỏ vàng Bãi Mố, xóm Thượng Kim, xã Thần Sa (Võ Nhai). |
Chúng tôi có mặt tại khu vực xóm Kim Sơn - trung tâm của xã Thần Sa (Võ Nhai), vào một ngày cuối tháng 10, dễ dàng nhận thấy dòng nước sông Thần Sa có màu nâu đỏ. Nhiều người dân phản ánh, mùa mưa hay mùa khô, nước sông đều có màu đục, nhiều bùn đất, không thể sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Ngọn nguồn vấn đề ô nhiễm sông Thần Sa
Chúng tôi đi ngược dòng sông Thần Sa (cách UBND xã Thần Sa khoảng 20km), theo hướng phụ lưu là suối Nước Đục để khảo sát, tìm hiểu ngọn nguồn vấn đề ô nhiễm này. Thực tế cho thấy, trên địa bàn xóm Thượng Kim có Mỏ vàng Bãi Mố thuộc quản lý của Công ty CP Đầu tư Thương mại Thủ đô Gió Ngàn. Tuy nhiên, điểm mỏ này đã dừng khai thác được gần 2 năm.
Anh Tạ Quang Huy, bảo vệ Mỏ vàng Bãi Mố, đưa chúng tôi đi ngược con suối tới sát điểm giáp ranh giữa xóm Thượng Kim với xã Bình Văn, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Dòng nước đục ngầu từ phía bên kia vẫn chảy sang. Chỉ tay xuống dòng suối, anh Huy nói: Hơn 1 năm tôi làm ở đây, lúc nào dòng nước suối cũng đục thế này. Cứ tầm chiều tối là nước suối lại trở nên nặng mùi.
Tại vị trí giáp ranh với xã Bình Văn, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn), suối Nước Đục có màu đỏ đục và mùi hóa chất. |
Còn bà Triệu Thị Huyền, người dân xóm Thượng Kim, phàn nàn: Những hôm trời mưa nước đục hơn và nồng mùi của hóa chất. Bà con trong xóm không thể sử dụng nước suối vào bất kỳ công việc gì, toàn bộ phải dẫn nước mạch từ các khe núi xuống.
Theo các hộ dân, nguồn nước ô nhiễm là do hoạt động khai thác, tuyển rửa vàng tại khu vực Khau Âu của huyện Chợ Mới dồn về.
Không chỉ ô nhiễm, bùn đất theo dòng suối tràn về còn ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp của người dân. Tháng 9 vừa qua, ông Triệu Đức Kim, người dân xóm Thượng Kim, có đơn phản ánh: Lượng nước lớn từ thượng nguồn Bắc Kạn chảy về kèm theo bùn, cát đã gây bồi lấp đường dân sinh, tràn vào ruộng canh tác của 3 hộ dân trong xóm với diện tích chừng 2.000m2; trong đó, lúa tại một thửa 200m2 bị lụi, chết dần.
Trước phản ánh của người dân và các cơ quan báo chí, ngày 24-10 vừa qua, Đoàn công tác của huyện Võ Nhai tiến hành khảo sát, đánh giá thực tế hiện trạng vấn đề ô nhiễm của sông Thần Sa. Theo đó, suối Nước Đục chảy từ Bình Văn là phụ lưu chính, cùng với suối Nước Trong (chảy qua xóm Tân Kim) hợp nhất tạo thành Suối Bó tại địa phận xóm Ngọc Sơn 2, xã Thần Sa.
Dòng suối sau đó đổ ngầm vào lòng Hang Hút, tiếp tục chảy thêm khoảng 1,5km qua địa phận xóm Trung Sơn và nhập vào sông Thần Sa (còn gọi là Suối Cái). Trước năm 2012, tình trạng khai thác khoáng sản tại các khu vực giáp ranh tỉnh Bắc Kạn, Bãi Mố, Tu Lườn, hang Hút... diễn ra phức tạp. Toàn bộ nước đục, bùn chảy vào hang Hút và tích lũy trong thời gian dài. Có thể đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nước đục của sông Thần Sa.
Suối Nước Đục chảy qua xóm Thượng Kim, xã Thần Sa (Võ Nhai) mang theo nhiều bùn đất, gây bồi lắng trên lưu vực. |
Trên dòng Suối Bó, hiện có mỏ khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp: Công ty TNHH Kim Ngân tại Mỏ vàng Khau Âu (Chợ Mới); Công ty CP Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long với Mỏ vàng Bản Ná, Khắc Kiệm và Nam Khắc Kiệm; Công ty CP Đầu tư thương mại Thủ đô Gió Ngàn với Mỏ vàng Bãi Mố, xóm Thượng Kim và khu vực Đèo Cắng, xóm Trung Sơn.
Tại khu vực Đèo Cắng, Công ty CP Đầu tư thương mại Thủ đô Gió Ngàn có thực hiện các hoạt động khai thác trong hầm lò nhưng chưa sản xuất và đã xây dựng hệ thống gồm 3 bể lắng đối với nước thải.
Việc khai thác vàng tại Bản Ná, Khắc Kiệm và Nam Khắc Kiệm của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long không có nước thải chảy ra dòng suối chung; toàn bộ đất, đá được vận chuyển về khu vực Bản Ná để tuyển rửa và không chảy ra môi trường.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thần Sa (Võ Nhai), khẳng định: Tình trạng sông Thần Sa bị ô nhiễm, bồi lắng bùn đất đã có từ lâu, ảnh hưởng tới sinh hoạt và sản xuất của người dân. Chính quyền địa phương đã nhiều lần phối hợp với cơ quan chức năng để khảo sát và báo cáo lên cấp trên. Đồng thời đề nghị có giải pháp khắc phục, nhất là đối với nguyên nhân gây ô nhiễm từ bên ngoài địa giới của xã Thần Sa.
Nguyên nhân chính gây nước đục tại Suối Bó có thể là do hang Hút đã tích lũy bùn từ nhiều năm và một phần do hoạt động khai thác khoáng sản trên lưu vực. Do vậy, Đoàn công tác của huyện Võ Nhai đề xuất phương án nạo vét hang Hút để khơi thông dòng và hạn chế bùn chảy ra sông Thần Sa; xây bể lắng trên dòng Suối Bó để lắng toàn bộ bùn và nước đục. Đồng thời tiếp tục có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bắc Kạn tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản tại địa bàn vùng giáp ranh, cũng như việc thực hiện quy chế phối hợp bảo vệ môi trường trong cụm an ninh khu vực…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin