Cắt giảm phát thải, phát triển kinh tế xanh hướng tới sự bền vững

Theo TTXVN 17:32, 28/11/2022

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động đến nền kinh tế toàn cầu, việc cắt giảm phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh để hướng tới sự bền vững không chỉ cần quyết tâm, hợp tác từ các Chính phủ mà còn có sự đóng góp của khối tư nhân, cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh GEFE 2022. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh GEFE 2022. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Đây là nội dung được các chuyên gia nhấn mạnh tại phiên khai mạc Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh 2022 (GEFE 2022) do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 28/8.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đã phê duyệt chiến lược phát triển xanh và nhận thức rõ mình là một trong 5 quốc gia bị tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. Phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu không phải là vấn đề của một quốc gia nào mà là vấn đề chung cần có sự thống nhất toàn cầu. Việt Nam đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế trong chống biến đổi khí hậu thông qua hợp tác phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.

Trong mọi chính sách phát triển, Việt Nam lấy người dân làm trung tâm, để xây dựng chính sách, người dân phải được tham gia và thụ hưởng những kết quả mà chính sách mang lại. Chính vì vậy, Việt Nam sẽ không hy sinh các vấn đề về môi trường để đổi lấy tăng trưởng. Việt Nam cũng mong muốn Liên minh châu Âu tiếp tục hỗ trợ công nghệ tiên tiến, nguồn vốn xanh và rẻ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững.

Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh thế giới đang biến đổi, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã và đang có những chiến lược về phát triển xanh và phát triển bền vững. Hiện nay, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp là những thách thức quan trọng cần giải quyết trong thời gian tới.

Ông Virginijus Sinkevicius, Cao ủy Ủy ban Châu Âu về Môi trường, Đại dương và Ngư nghiệp phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN
Ông Virginijus Sinkevicius, Cao ủy Ủy ban Châu Âu về Môi trường, Đại dương và Ngư nghiệp phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

Nhận thức đầy đủ những thách thức này, Việt Nam đã xây dựng chiến lược phát triển năng lượng,  phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon.

Theo ông Nguyễn Hồng Diên, trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt được khai thác đến mức giới hạn, quá trình chuyển đổi năng lượng với xu hướng phát triển nhanh của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió đã mở ra những cơ hội mới cho thị trường năng lượng Việt Nam. Đây là lĩnh vực mà Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hợp tác đầu tư, công nghệ với các quốc gia châu Âu có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính và công nghệ.

Ông Virginijus Sinkevicius, Cao ủy châu Âu về Môi trường, Đại dương và Nghề cá, khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của EU tại châu Á, Diễn đàn kinh tế xanh là cơ hội để hai bên bàn về cách giải quyết thách thức, tác động của xung đột, biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế xanh, giảm phát thải carbon. Không chỉ Chính phủ mà các doanh nghiệp, tổ chức xã hội cùng hợp tác để giảm rác thải nhựa, bảo tồn đa dạng sinh học, nền kinh tế dung hoà carbon.

"Biến đổi khí hậu là khủng hoảng nghiêm trọng nếu không có hướng giải quyết, đặt ra các vấn đề tiêu thụ nặng lượng, hệ thống thực phẩm, vận chuyển, các chuỗi giá trị, cần giải pháp tổng thể của cả nền kinh tế, chiến lược cụ thể cho hệ thống sản xuất nông nghiệp, giảm hoá chất, bảo vệ rừng, trồng rừng cũng rất quan trọng. Không có quốc gia nào có thể phát triển bền vững nếu không có sự hợp tác, sự đồng hành của các tổ chức xã hội", ông Virginijus Sinkevicius, nhấn mạnh.

Chia sẻ tại Diễn đàn, các doanh nghiệp châu Âu cho rằng, tăng trưởng xanh đã được khởi động tại Việt Nam trong vài năm vừa qua và có rất nhiều tiềm tăng để tăng trưởng. Song song đó, Việt Nam đang có tốc độ chuyển đổi số mạnh mẽ cũng tạo điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng xanh. Các doanh nghiệp châu Âu khi đầu tư vào Việt Nam cũng ưu tiên sử dụng nguồn năng lượng xanh, không gây hại cho môi trường. Đồng thời khuyến nghị Việt Nam đẩy mạnh điện khí hoá tất cả các công đoạn có thể trong sản xuất nhằm sử dụng tiết kiệm, tái tạo năng lượng liệu quả kết hợp với công nghệ tăng trưởng xanh.

 

Chủ tịch EUROCHAM Alain Cany phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN
Chủ tịch EUROCHAM Alain Cany phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

Ông Alain Cany, Chủ tịch Eurocham, cho biết: Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh 2022 nhận được sự hỗ trợ từ trung ương đến địa phương của Việt Nam và thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan quan quản lý nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp. GEFE 2022 quy tụ rất nhiều doanh nghiệp từ các ngành nghề liên quan đến tăng trưởng kinh tế xanh từ châu Âu, mang đến nhiều sáng kiến, giải pháp sáng tạo giải quyết các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Theo ông Alain Cany, phát triển xanh đang là xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Mục tiêu chính của GEFE 2022 là hỗ trợ Việt Nam đáp ứng các cam kết tại Hội nghị biến đổi khí hậu (COP26) và hoàn thành các mục tiêu phát triển được nêu trong Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Diễn đàn cũng là cơ hội tốt để tăng cường các mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU về các vấn đề quan tâm, ưu tiên hợp tác để mang lại các thay đổi mang tính đột phá. Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu cũng tin tưởng Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng xanh trong tương lai với sự quyết tâm, hợp tác chặt chẽ từ các đơn vị công - tư.