Thời gian qua, chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn từ vốn vay Ngân hàng Thế giới được triển khai ở nhiều địa phương đạt kết quả nhất định, trong đó có xã Đức Lương (Đại Từ).
Những đổi thay tại địa phương này cho thấy sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cộng đồng xây dựng ý thức thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, hình thành thói quen rửa tay với xà phòng để phòng, chống dịch bệnh.
Đức Lương là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đại Từ, với 85% hộ dân người dân tộc thiểu số, sống bằng nghề nông. Bởi vậy, thực hành vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân của người dân nơi đây còn nhiều hạn chế.
Để đạt mục tiêu trên 70% hộ gia đình có và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, hình thành thói quen rửa tay với xà phòng, những năm qua, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp như tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; hỗ trợ xây dựng, cải tạo một số công trình vệ sinh của hộ dân, nơi công cộng…
Cùng với những nỗ lực của xã, sự hỗ trợ từ Dự án “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng thế giới” cũng giúp nhiều hộ dân Đức Lương xây được nhà tiêu hợp vệ sinh.
Chị Triệu Thị Hòa, xóm Trung Tâm, hộ cận nghèo, chia sẻ: Nhờ được Dự án hỗ trợ một phần kinh phí và sự tuyên truyền, vận động của cán bộ y tế, nên mặc dù còn khó khăn nhưng gia đình tôi vẫn cố gắng xây dựng công trình vệ sinh mới. Được cán bộ y tế tuyên truyền về lợi ích rửa tay bằng xà phòng, gia đình tôi bố trí 3 chỗ có sẵn xà phòng để rửa tay như: Trong nhà vệ sinh, chỗ vòi nước ngoài sân và nơi rửa bát…
Thực tế cho thấy, việc nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường đã được xã Đức Lương triển khai một cách đồng bộ, bài bản. Ngay như việc giáo dục trẻ em hình thành thói quen rửa tay bằng xà phòng cũng được chú trọng từ cấp học mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở.
Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ từ Dự án, các nhà trường có nguồn kinh phí nhất định để xây dựng các công trình vệ sinh đạt chuẩn; bố trí các điểm rửa tay có sẵn xà phòng và nước sạch.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đức Lương, cho hay: Để hình thành thói quen rửa tay bằng xà phòng cho các em, cứ sáng thứ 2 hàng tuần, Nhà trường có nội dung riêng trong giờ chào cờ để tuyên truyền. Đồng thời thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra việc rửa tay bằng xà phòng của học sinh. Nhờ đó, đến nay các em đã thay đổi hành vi của mình, chủ động rửa tay trước khi vào lớp, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Nhiều em còn là tuyên truyền viên tích cực tại gia đình mình.
Sau 2 năm triển khai, Dự án đã hỗ trợ xây mới 120 nhà tiêu hợp vệ sinh. Bác sĩ Vũ Chí Phúc, Trưởng Trạm y tế xã Đức Lương, cho hay: Nhiều hộ đã chủ động xây nhà tiêu mới hoặc sửa chữa mà không trông chờ vào sự hỗ trợ của các chương trình, dự án. Hiện, toàn xã đã có 79% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, tăng 22,3% so với 3 năm trước. Đặc biệt, 80% số hộ trong xã đã có các điểm rửa tay bằng xà phòng.
Có thể khẳng định, Dự án đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân và thực trạng vệ sinh môi trường trên địa bàn xã, đảm bảo môi trường xanh sạch đẹp, góp phần xây dựng nông thôn mới ở Đức Lương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin