Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là những yêu cầu bức thiết trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và sự phát triển bền vững. Khai thác những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Thái Nguyên đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số, chủ động kết nối để thu hút nhà đầu công nghệ cao, hướng tới tiêu chuẩn phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Thái Nguyên ký kết hợp tác tăng trưởng xanh giai đoạn 2023-2030 với Saigontel. Ảnh: TL |
Thu hút nhà đầu tư công nghệ cao
Thái Nguyên là một trong những địa phương tiên phong của cả nước ban hành nghị quyết chuyên về chương trình chuyển đổi số (CĐS). Tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương kịp thời nắm bắt thời cơ, tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng 4.0. Đặc biệt, tập trung thu hút các doanh nghiệp (DN) công nghệ cao hướng tới mục tiêu phát triển công nghiệp xanh.
Với quan điểm chọn lọc thu hút đầu tư các dự án tiết kiệm đất và năng lượng, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, thời gian qua, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh đã đẩy mạnh thu hút các dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, sản xuất thân thiện với môi trường.
Với sự chủ động, tích cực, 10 tháng năm 2024, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã cấp mới 22 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có 17 dự án FDI và 5 dự án DDI, với tổng vốn đạt trên 556 triệu USD và trên 5.088 tỷ đồng.
Cùng với việc thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, đối với việc phát triển cụm công nghiệp (CCN), các địa phương cũng đặc biệt quan tâm công tác CĐS gắn với chuyển đổi xanh (CĐX). Đầu tháng 11-2024, UBND huyện Phú Lương đã tổ chức hội nghị hướng dẫn CĐS gắn với CĐX trong CCN Yên Lạc.
Tại đây, các sở, ngành của tỉnh đề nghị chủ đầu tư CCN Yên Lạc trong quá trình lập quy hoạch chi tiết, thực hiện dự án cần nghiên cứu áp dụng đầu tư kết cấu hạ tầng hiện đại gắn với hạ tầng số, sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường, tiêu tốn ít năng lượng. Đồng thời có cam kết với các dự án thứ cấp trong CCN sử dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, ít phát thải; xây dựng đầy đủ các công trình bảo vệ môi trường, xử lý rác thải trước khi đi vào hoạt động.
Vì mục tiêu tăng trưởng xanh
Cùng với thu hút dự án công nghệ cao và hỗ trợ các chủ đầu tư CCN đẩy mạnh CĐS, CĐX, đầu năm 2024, UBND tỉnh đã ký biên ghi nhớ hợp tác, giai đoạn 2023-2030 với Saigontel. Theo đó, Saigontel sẽ nghiên cứu và phân tích về các cơ hội giảm phát thải trên địa bàn tỉnh; công nghệ và lộ trình giảm phát thải khí nhà kính để tư vấn cho tỉnh trong việc xây dựng chính sách, thực hiện các kế hoạch giảm phát thải, thu hút nguồn tài chính xanh…
Công ty CP Đầu tư Thương mại TNG xây dựng, vận hành các hoạt động sản xuất hướng tới sự phát triển bền vững, toàn diện về kinh tế - xã hội và môi trường. |
Song song với đó, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ các DN CĐS, đầu tư công nghệ mới để tăng năng suất, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường. Với vai trò chủ công ở lĩnh vực này, 2 năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ 546 DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trải nghiệm, sử dụng các nền tảng số như: Nền tảng quản trị DN hợp nhất; phần mềm kế toán DN nhỏ và vừa; phần mềm hóa đơn điện tử; dịch vụ chữ ký số; phần mềm quản lý nhà hàng, cửa hiệu, với hơn 4.100 lượt cài đặt/bản quyền phần mềm... Các DN trên địa bàn tỉnh đã chủ động đầu tư mạnh vào công nghệ, vì mục tiêu phát triển bền vững.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thương mại TNG nhấn mạnh: Đầu tư mạnh vào công nghệ, CĐS đã giúp Công ty nâng cao năng suất, tối ưu chi phí, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.
Từ năm 2022, TNG thành lập chi nhánh giải pháp công nghệ TRE với nhiệm vụ chủ lực là thực hiện dự án hệ thống quản trị nguồn lực DN nhằm tối ưu hoá quy trình quản trị, sản xuất, giảm thiểu các rủi ro, thích ứng nhanh với các thay đổi của thị trường.
TNG đã cải tiến quy trình sản xuất và quản lý, sử dụng máy móc thiết bị tự động, công nghệ AVG, robot trong việc điều hành sản xuất. Các nhà máy của TNG tại huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, CCN Sơn Cẩm được xây dựng, vận hành hướng tới sự phát triển bền vững. Nhà máy phụ trợ tại TP. Sông Công được chứng nhận Lotus bạc, Nhà máy "xanh" TNG Võ Nhai đạt tiêu chuẩn LEED.
Nhìn vào bức tranh tổng thể cho thấy, trong hành trình CĐX, Thái Nguyên đang nỗ lực thúc đẩy nhiều giải pháp, từng bước tham gia sâu vào “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư của thế giới, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon, phát triển bền vững. Tỉnh đang nỗ lực để cải thiện Chỉ số PGI, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với tăng trưởng xanh, lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm yếu tố then chốt.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin