Hương chè trên đất cao nguyên Gia Lai

09:08, 13/11/2011

Thổ nhưỡng là đất ba zan màu mỡ, nền khí hậu trên độ cao trung bình hơn 600 mét so với mực nước biển là điều kiện thuận lợi để cây chè sinh trưởng và phát triển.

Chính vì vậy, cùng với công cuộc khai thác thuộc địa, thực dân Pháp đã mang cây chè đến với Gia Lai khá sớm từ những năm 20 của thế kỷ 20. Theo những người cao niên, năm 1921, người Pháp lập ra đồn điền chè Biển Hồ (TP Pleiku) rồi sau đó là các đồn điền chè Bàu Cạn (với thương hiệu CATEKA), Ia Pêt (SAPKO), Đak Đoa,… trên đất Gia Lai.

 

 

Đến nay cũng đã gần một thế kỷ cây chè có mặt trên đất Gia Lai với những thăng trầm khác nhau theo sự biến thiên của lịch sử và thời gian. Hiện nay, trên địa bàn Gia Lai có tổng diện tích chè 1.154 ha, với các DN sản xuất chế biến chè chủ yếu là Công ty chè Biển Hồ, Công ty cà phê Đak Đoa (hiện nay không còn sản xuất chè) và Công ty chè Bàu Cạn, trong đó Công ty chè Bàu Cạn có công suất lớn nhất.

 

Công ty chè Bàu Cạn có trên 500 ha chè cùng với vài trăm ha cà phê. Những năm qua, do giá cả biến động, công ty gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, với quyết tâm giữ vững uy tín thương hiệu, công ty đã nỗ lực vượt qua khó khăn duy trì và từng bước mở rộng hoạt động SXKD. 5 năm gần đây, công ty đã cải tạo và mở rộng thêm trên 300 ha chè và cà phê, diện tích chè trồng mới cho năng suất từ 120 tạ đến 150 tạ/ ha. Sản lượng chè từ gần 1.900 tấn năm 2008 đã vượt lên con số 2.060 tấn vào năm 2009 và trên 2.200 tấn vào năm 2011, cao nhất từ trước tới nay.

 

Với việc nâng cao năng suất, sản lượng vườn cây và tìm đầu ra ổn định, công ty giải quyết công ăn việc làm cho trên 400 công nhân đồng thời giải quyết thêm 1 ngàn lao động thời vụ tại chỗ. Mới đây công ty chè Bàu Cạn vinh dự đón nhận phần thưởng cao quý do Nhà nước trao tặng là Huân chương Độc lập hạng Ba. Sản phẩm chè Bàu Cạn có trà xanh tiêu thụ nội địa và trà đen để xuất khẩu. Hiện nay, thương hiệu CATEKA của chè Bàu Cạn là thức uống quen thuộc và gần như không thể thiếu đối với nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị, gia đình và người dân Gia Lai.

 

Bên cạnh thương hiệu CATEKA, chè Biển Hồ cũng nổi tiếng không kém. Hiện công ty có 365 ha chè kinh doanh, năng suất 9 tấn chè búp tươi/ ha tăng gấp 4 lần so với năm 1988. Công ty hiện có hơn 1.600 hộ nhận khoán sản xuất, trong đó có 120 người dân tộc thiểu số. Từ năm 2005 đến nay, giá trị SXKD của công ty có mức tăng trưởng khá, bình quân 24%/ năm; năm 2009 doanh thu đạt 37 tỷ đồng, năm 2010 đạt 41 tỷ đồng. Sản phẩm chè Biển Hồ đạt tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2008, đạt cúp vàng ISO năm 2008, được Bộ NN-PTNT chứng nhận hàng nông lâm sản Việt Nam chất lượng cao và uy tín thương mại năm 2008. Sản phẩm chè xanh xuất khẩu sang các nước Úc, Afganistan, Pakistan, Singapore…

 

Cùng với đặc sản chè “bản xứ” Gia Lai, sản phẩm chè của Lâm Đồng, Thái Nguyên, Bắc Cạn…cũng góp mặt để làm thứ nước uống hấp dẫn thêm phong phú đối với người dân địa phương. Gần đây, sản phẩm chè cao cấp Ô Long của nhiều DN được khá nhiều người dân Gia Lai ưa chuộng sử dụng, vừa làm quà tặng vừa làm đồ uống, đãi đằng.

 

Đặc biệt với thương hiệu mạnh vốn đã nằm lòng đối với những khách hàng sành điệu “chè Tuyên gái Thái”, chè Thái Nguyên vẫn chiếm một thị phần nhất định trên thị trường Gia Lai. Sau nhiều biến thiên thăng trầm hiện tại TP Pleiku có 3 cơ sở phân phối chè Thái Nguyên chủ yếu. Đó là cửa hàng chuyên bán chè Thái Nguyên tại 268 Phạm Văn Đồng - Pleiku, mỗi tháng tiêu thụ từ 50-70kg. Cơ sở thứ hai có địa chỉ 270 Phạm Văn Đồng - Pleiku, trung bình mỗi tháng tiêu thụ 2,5-3 tạ. Chủ cơ sở này là chị Nguyễn Thị Tâm vốn quê ở phường Tân Long - TP.Thái Nguyên. Do tiêu thụ khá mạnh nên hàng tháng người nhà chị Tâm ở Thái Nguyên thường xuyên chuyển hàng vào để cung ứng cho thị trường. Khách hàng chủ yếu của cơ sở này là các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang trên địa bàn Gia Lai.

 

Cơ sở kinh doanh chè lớn nhất tại Pleiku hiện nay là DNTN Thịnh Phát (08 Lê Lai - Pleiku). Cơ sở này kinh doanh sản phẩm chè của nhiều nhà sản xuất khác nhau, với lượng tiêu thụ hàng tháng lên tới hàng chục tấn. Riêng sản phẩm chè Thái Nguyên có mặt trên kệ bán tại đây kể từ năm 1977. Cơ sở này phát triển rộng khắp, với hệ thống đại lý, của hàng có mặt ở hầu khắp các huyện, thị xã trong tỉnh...

 

Cùng với đặc sản cà phê, trà là thức uống không thể thiếu và có sức hấp dẫn đặc biệt đối với người dân cao nguyên Gia Lai. Trong tiết trời se lạnh, mưa bụi bay bay, sương mờ bảng lảng, ly cà phê, tách trà ấm nóng đem lại thật nhiều thú vị và cảm xúc cho người thưởng thức.