Vì mục tiêu phát triển ngành Chè Việt Nam

09:24, 11/11/2011

Hội thảo Quốc tế chè -  một trong những tâm điểm của Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất sẽ diễn ra vào ngày 13-11. Hội thảo sẽ có sự góp mặt của một số quốc gia, vùng lãnh thổ và các tỉnh có tiềm năng, thế mạnh về cây chè. TNĐT xin trích lược ghi một số ý kiến dự kiến trình bày tại Hội thảo.

Nét đặng trưng của chè Thái Nguyên

 

(Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên)

Thái Nguyên hiện có diện tích chè lớn thứ 2 trong cả nước (17.660 ha), cả 9 huyện, thành thị đều sản xuất chè, năng suất chè đạt cao nhất cả nước (năm 2010 đạt trên 107 tạ/ha). Do thiên nhiên ưu đãi về đất đai, nguồn nước, thời tiết, khí hậu, nên chè búp tươi ở Thái Nguyên có phẩm cấp, chất lượng cao. Theo phân tích của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền Núi phía Bắc, chất lượng nguyên liệu chè Thái Nguyên có ưu điểm khác biệt so với các vùng chè khác, có nội chất đáp ứng được yêu cầu của nguyên liệu để sản xuất chè xanh chất lượng cao. Người làm nghề chè trong tỉnh có kỹ thuật chăm sóc, thu hái và chế biến chè tinh xảo, đã tạo nên những sản phẩm chè cánh đẹp, thơm hương chè, hương cốm, uống “có hậu” với vị chát vừa phải, đượm ngọt, đặc trưng của chè Thái Nguyên, với chất lượng và giá trị cao; sản phẩm của làng nghề chè là chè xanh, chè xanh cao cấp chủ yếu tiêu thụ nội địa và có xuất khẩu. Cục sở hữu trí tuệ đã quyết định công nhận nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên.

 

Trong thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh quản lý, phát huy thế mạnh về tài nguyên đất đai, phát triển sản xuất chè theo hướng đầu tư thâm canh tăng năng suất, an toàn, chất lượng; tăng giá trị, thu nhập trên đơn vị diện tích và sản phẩm chè; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để đẩy mạnh sản xuất, chế biến, tạo ra một số sản phẩm chè hàng hoá chủ lực với số lượng lớn, an toàn, chất lượng, giá trị kinh tế cao có sức cạnh tranh cao, tạo uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phát triển các làng nghề sản xuất, chế biến chè truyền thống gắn với bản sắc văn hoá các dân tộc tỉnh Thái Nguyên; mở rộng thị trường đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chè Thái Nguyên, xứng với tiềm năng, thế mạnh của đặc sản chè xanh Thái Nguyên; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực  sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè Thái Nguyên...

 

Chọn tạo giống chè mới nâng cao chất lượng chè Việt Nam

 

(PGS.TS Lê Quốc Doanh,  PGĐ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam)

 

Đến năm 2010, cả nước có 131.487ha chè, sản l­ượng trên 165 ngàn tấn chè khô, xuất khẩu đạt 133,150 triệu USD/năm (tăng 37,428% so 2005), giải quyết việc làm cho 400.000 hộ dân của 34 tỉnh trong cả n­ước. Sản xuất chè Việt Nam có nhiều lợi thế như đa dạng phong phú về nguồn giống, đất đai khí hậu phù hợp, nhiều mô hình năng suất cao (trên 30 tấn/ha); nhiều vùng chè chất l­ượng cao như­ Tân C­ương (Thái Nguyên), Mộc Châu (Sơn La), Bảo Lộc (Lâm Đồng); các giống chè Shan bản địa năng suất cao, chất lượng tốt có thể chế biến sản phẩm đa dạng như chè vàng, Phổ nhĩ và sản xuất chè hữu cơ giá trị cao.

 

Tuy năng suất chè Việt Nam đã đạt mức bình quân của thế giới, nhưng giá bán thấp chỉ bằng 60 -70% thế giới do sản phẩm chè Việt Nam còn nghèo về chủng loại, chất lượng và mẫu mã chưa hấp dẫn. Xuất phát từ thực tiễn trên, trong 10 năm qua, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã tập trung nghiên cứu, tuyển chọn được 17 giống chè mới, trong đó có 5 giống mới (LDP1, LDP2, Kim Tuyên, Thúy Ngọc, Phúc Vân Tiên) và 12 giống sản xuất thử (Bát Tiên, Hùng Đỉnh Bạch, Keo Am Tích, PT95, shan Chất Tiền, shan Tham Vè, PH8, PH9, PH10, PH11, PH12 và PH14). Các chủng loại giống này đã đáp ứng được nhu cầu chế biến nhiều loại sản phẩm mới như: chè ôlong, chè xanh, chè đen...

 

Việc chọn tạo được các giống mới đã đưa diện tích trồng chè giống mới trên toàn quốc lên 50% trong tổng diện tích chè cả nước. Nhiều mô hình sản xuất nguyên liệu từ giống mới đạt 56-72 triệu đồng/ha. Người sản xuất đã gắn được các giống chè mới với chế biến sản phẩm mới như chè xanh chế biến từ các giống mới tại Thái Nguyên có giá bán từ 180.000 -250.000đ/kg, bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu đa dạng hoá  sản phẩm chè Việt Nam.  

 

Cần có giải pháp đột phá phát triển ngành chè Việt Nam

 

(TS. Phạm S, Gíám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Công nghệ Chè Việt Nam)

     

Việt Nam có điều kiện khí hậu và đất đai rất phù hợp cho ngành chè phát triển. Việt Nam đã có những thương hiệu chè nổi tiếng như: Shan Tuyết (Hà Giang), Suối Giàng (Yên Bái), chè B’lao, chè Ôlong Cầu Đất... Ngành chè thu hút được một lực lượng lao động lớn, hơn 6 triệu người ở 34 tỉnh, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Việt Nam hiện nay còn là nhà sản xuất, xuất khẩu chè đứng thứ năm trên thế giới.

 

Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu chè Việt Nam còn thấp, chỉ đạt 1,4 USD/kg, thấp hơn so với mặt bằng giá chung của thế giới, chỉ số cạnh tranh chỉ khoảng 0,65-0,7 so với thế giới. Một trong những nguyên nhân chính làm giảm giá xuất khẩu chè Việt Nam là chất lượng chưa cao. Chúng ta chưa quản lý được chất lượng sản phẩm, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực tế trong hoạt động kinh doanh nội bộ ngành hàng còn xảy ra tình trạng ép cấp, ép giá, kinh doanh thiếu lành mạnh vì lợi nhuận trước mắt của một bộ phận doanh nghiệp dẫn đến chất lượng chè không cao.

 

Chè là sản phẩm lệ thuộc rất lớn thị trường quốc tế, tuy nhiên sự sẵn sàng hội nhp kinh tế quốc tế của các doanh nghiệp chè Việt Nam còn lúng túng cả trong việc đổi mới công nghệ lẫn xúc tiến thương mại để khai thác thị trường mới. Chè Việt Nam được đánh giá là sản phẩm tốt trung bình, giá cạnh tranh và cần thiết để đấu trộn với các sản phẩm khác từ Xri Lan-ca, Kê-ni-a, Ấn độ. Xuất khẩu chè Việt Nam vẫn chủ yếu là xuất thô. Có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào thương hiệu, đóng gói để gia tăng giá trị. Do vậy, cần có giải pháp đồng bộ, đặc biệt lấy khoa học công nghệ làm khâu đột phá cho ngành chè Việt Nam, phát triển bền vững.

 

Tiềm năng phát triển chè của tỉnh Phú Thọ

 

(Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Thọ)

 

Phú Thọ tự hào là cái nôi của cây chè Việt Nam. Ngành chè Phú Thọ có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Đến năm 2010, diện tích chè toàn tỉnh đạt 15,6 nghìn ha, năng suất bình quân đạt trên 80 tạ/ha, sản lượng trên 112 ngàn tấn. So với năm 2000 diện tích và năng suất chè tăng gấp gần 2 lần, sản lượng tăng 3,8 lần, đưa Phú Thọ lên vị trí thứ 4 của cả nước về diện tích và thứ 3 về sản lượng. Tỷ lệ diện tích các giống mới chè có tiềm năng cho năng suất, chất lượng cao như  LDP1, LDP2, PH11, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên tăng từ 1% năm 2000 lên 56% vào năm 2010. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đầu tư thâm canh, sản xuất chè theo hướng an toàn, đưa cơ giới hoá vào sản xuất được tỉnh đẩy mạnh, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đã hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung có khối lượng hàng hoá lớn gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Giá trị sản xuất chè nguyên liệu tăng từ 58,7 tỷ đồng năm 2000 lên 386 tỷ đồng năm 2010. Đến nay, Phú Thọ đã khẳng định được vị trí trung tâm và được đánh giá là tỉnh có hệ thống chế biến, xuất khẩu sản phẩm chè đen hàng đầu trong cả nước. Sản phẩm chè Phú Thọ với 80% dành cho xuất khẩu và đã có mặt tại nhiều thị trường chè trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 15 triệu USD/ năm...

 

 

Sản xuất chè theo hướng chất lượng, hiệu quả cao

 

(Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cao Bằng)

 

Cao Bằng với nhiều vùng sinh thái khác nhau nên có nhiều loại trà: trà Đắng, trà Dây, trà Giảo cổ lam và trà thông dụng (Camellia sinensis (L) O. Kuntze) ... Các loại chè này có ở hầu hết các huyện trong tỉnh. Có những vùng trà nổi tiếng như trà Đông Khê huyện Thạch An trà Nà Bao, trà Phja Đén của huyện Nguyên Bình... Sản lượng trà Cao Bằng không lớn, nguồn cung cấp cho nhu cầu của tỉnh vẫn còn nhờ vào việc bổ sung từ các tỉnh Trung du Bắc bộ. Tuy nhiên, Cao Bằng có những lợi thế để cho ra thị trường những sản phẩm trà đặc thù đáp ứng nhu cầu của người yêu trà.

 

Lợi thế đó là những vùng khí hậu Á nhiệt đới trên đai cao 800-1.300m ở vĩ tuyến 22º vĩ Bắc. Chè không phải cây trồng chủ lực nhưng tỉnh Cao Bằng rất quan tâm đến cây chè. Tỉnh quy hoạch phát triển 2.000 ha chè chất lượng cao, trồng ở độ cao xung quanh 1.000m so với mực nước biển với các giống trà nổi tiếng của Đài Loan, Trung Quốc: Thanh Tâm, Kim Tuyên, Bát Tiên, Ngọc Thuý, Phúc Vân Tiên, PT95 và các giống chè chất lượng cao của Việt Nam: PH8, PH9, PH10... Để tạo ra những sản phẩm trà chất lượng tốt, ngoài việc chọn lựa những giống chè ưu tú, Cao Bằng xây dựng quy trình kỹ thuật trồng chè sạch theo hướng tạo ra các sản phẩm tự nhiên, đảm bảo sức khoẻ cho cộng đồng...

 

Nâng cao chất lượng, giá trị chè xanh cao cấp

Công ty Cổ phần tập đoàn Tân Cương - Hoàng Bình

Là doanh nghiệp kinh doanh sản xuất chế biến trà, đặc biệt là các sản phẩm trà xanh cao cấp, trong nhiều năm qua, Tân Cương - Hoàng Bình đã áp dụng thành công phương pháp “cách tân” sản phẩm từ truyền thống sử dụng thông thường thành những món quà biếu tặng đầy ý nghĩa. Việc “cách tân”  những giá trị ấy vào sản phẩm được Tân Cương - Hoàng Bình chuyển hóa bắt đầu từ tên gọi, hình thức cho đến chất lượng của sản phẩm.

 

Trong mỗi sản phẩm, doanh nghiệp đều nghiên cứu kỹ lưỡng từ môi trường văn hóa, không gian xuất hiện rồi từ đó đưa vào sản phẩm những giá trị phù hợp. Với chiến lược đầu tư phát triển thị trường, cả trong nước và xuất khẩu, mỗi sản phẩm của doanh nghiệp đều là sự tổng hòa của các yếu tố tạo nên một sản phẩm truyền thống mang giá trị hiện đại. Với Tân Cương - Hoàng Bình, xây dựng thương hiệu là một nét mới mà doanh nghiệp mang đến cho sản phẩm chè Việt Nam. Chiến lược của doanh nghệp là tiên phong đột phá, lấy sức mạnh từ khả năng đổi mới và thương hiệu địa phương làm đòn bẩy, kết hợp sức mạnh nội lực để đánh thức tiềm năng chè Việt Nam...