Những hy vọng của điền kinh

09:58, 12/10/2012

Không có quá nhiều đột biến tại Giải vô địch điền kinh quốc gia nhưng chỉ cần sự bứt phá của Quách Thị Lan (Thanh Hóa) và sự trở lại khá thuyết phục của Vũ Thị Hương cũng đủ để điền kinh Việt Nam có thể hy vọng mở mày mở mặt ở SEA Games 27 cũng như ASIAD 2014.

Sau vòng loại Olympic 2012 bất thành, người ta có lý do để nghi ngờ vào sự trở lại của Vũ Thị Hương. Lúc ấy, quá trình điều trị chấn thương của Hương không tốt nên cô gái gốc Thái Nguyên không thể có được phong độ tốt nhất ở các cuộc thi tính chuẩn dự Olympic 2012. Sau những thất bại ấy, Vũ Thị Hương đã khẳng định rằng cô sẽ trở lại như giai đoạn cuối năm 2010. Tất cả đã cùng nín lặng xem Hương sẽ trở lại như thế nào và quả thực, Giải vô địch điền kinh quốc gia 2012 đã đánh dấu sự trở lại của Hương, nhất là ở cự ly 200m. Nếu như ở những cự ly tiếp sức, một mình Vũ Thị Hương không thể quyết định được hết thành tích của toàn đội thì ở những cự ly cá nhân, Vũ Thị Hương không có đối thủ. Chạy 100m, Hương đạt 11 giây 62, hơn đối thủ về nhì cả mấy bước chân. Đến cự ly 200m, Hương đạt 23 giây 32, hơn người về nhì cả giây đồng hồ. Thành tích 23 giây 32 thực sự thuyết phục giới chuyên môn vì nó đã vượt cả mức đoạt HCV ASIAD 2010 cũng như HCV SEA Games 26.

 

Mặc dầu vậy, Vũ Thị Hương vừa trải qua chấn thương khá nặng nên khả năng tái phát hoàn toàn có thể xảy ra nếu cô sốt ruột tăng cường độ, khối lượng tập luyện để vươn tới đỉnh cao châu lục. Nhưng sự trở lại của Vũ Thị Hương cũng là tín hiệu đáng mừng cho điền kinh Việt Nam cho mục tiêu gần là SEA Games 27.

 

Nếu Vũ Thị Hương là gương mặt quá quen thuộc thì cái tên Quách Thị Lan thực sự mới mẻ với nhiều người. Dân trong nghề có thể không lạ về khả năng của cô gái 17 tuổi dân tộc Mường (Thanh Hóa) nhưng đến giải này, chính họ cũng phải sững sờ với sự tiến bộ chóng mặt của cô. Ngay sau ngày thi đầu tiên, khi Quách Thị Lan phá kỷ lục quốc gia ở nội dung 400m rào (dù mới tập nội dung này) các chuyên gia đều nhận định rằng Nguyễn Thị Thúy (Hà Nội) sẽ không có cơ hội ganh đua với "đàn em", người mới hơn một năm trước còn vô danh. Chính các HLV của Hà Nội cũng bi quan về khả năng đua tranh trên đường chạy 400m sở trường của Nguyễn Thị Thúy trước sự tiến bộ chóng mặt của Quách Thị Lan. Quả thực, cuộc thi chung kết đã trở thành màn độc diễn của Quách Thị Lan với sải chân dài và bước chạy mạnh mẽ (cô cao tới 1m72). 4 tháng trước, tại giải trẻ Đông Nam Á, Quách Thị Lan đã đoạt HCV 400m nữ với 53 giây 76 trong sự sững sờ của giới chuyên môn quốc tế. Đến Giải vô địch quốc gia 2012, cô rút ngắn thành tích xuống nửa giây, còn 53 giây 25, một chiến tích khiến giới chuyên môn sửng sốt. Đã thấy lấp ló hy vọng điền kinh nữ Việt Nam thống trị đường chạy 400m thường lẫn 400m rào ở SEA Games 27.

 

Sẽ không là sớm nếu ngay từ bây giờ, Tổng cục TDTT đưa Quách Thị Lan vào diện đầu tư trọng điểm và cho đi tập huấn ở môi trường chuyên nghiệp để chuẩn bị cho các giải quốc tế. Chuyến tập huấn ở Châu Âu với kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng/năm, do nhà nước và địa phương cùng san sẻ đã được nhắc tới, nhưng còn phương pháp huấn luyện để tài năng trẻ này không bị đốt cháy giai đoạn, duy trì thành tích lâu dài cũng cần phải tính đến.

 

Ngoài Quách Thị Lan, còn có người anh của cô là Quách Công Lịch (sinh năm 1993 thường được gọi là "U.Bolt của Việt Nam" nhờ thể hình cao lớn), Đỗ Thị Thảo và Dương Văn Thái… Với những cái tên đó, điền kinh Việt Nam không phải quá lo lắng về đội ngũ hậu bị cho những cuộc đấu quốc tế quan trọng, chỉ còn chờ cách đầu tư ra sao mà thôi.