Kình ngư Ánh Viên đưa Việt Nam vào bản đồ bơi lội châu Á

15:08, 19/11/2012

Rạng sáng 19-11, VĐV bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên đã xuất sắc giành tấm HCB lịch sử cho bơi lội Việt Nam ở nội dung 200m bơi ngửa tại Giải vô địch châu Á lần thứ chín ở Dubai (Các tiểu vương quốc Arập thống nhất). Đây là tấm huy chương thứ hai của Ánh Viên ở giải này và nhờ đó, lần đầu tiên Việt Nam xuất hiện trên bảng tổng sắp huy chương của giải đấu châu lục.

Ngay cả các chuyên gia hàng đầu về bơi lội Việt Nam cũng không ngờ được kình ngư mới trong 16 tuổi này lại có thể vươn tới đẳng cấp châu lục nhanh đến thế. Còn nhớ hơn hai năm trước, Ánh Viên vẫn còn chưa có mặt ở Đội tuyển bơi lội quốc gia và phải sau thành công ở Giải bơi các lứa tuổi Đông - Nam Á hồi giữa năm 2011 thì cô mới bắt đầu được chú ý đầu tư.

 

Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Ánh Viên đã tạo ra hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đầu tiên là hai tấm HCB mang tính cột mốc đối với bơi lội nữ Việt Nam. Tiếp đến, cô giành liên tiếp sáu chuẩn B Olympic chỉ trong một thời gian ngắn sau khi sang tập huấn tại Mỹ. Tại Giải vô địch Đông Nam Á 2012, Ánh Viên đưa bơi lội Việt Nam lần đầu bước lên ’’chiếu trên’’ bên cạnh các cường quốc của khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia... bằng việc một mình giành đến năm HCV. Tại Olympic 2008, Ánh Viên cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình bằng việc hai lần về nhất ở lượt bơi vòng loại của mình với thông số thành tích khá tốt.

 

Sau Olympic 2008, Ánh Viên tiếp tục sang Mỹ tập huấn và thành tích của cô cũng tiến nhanh không ngừng. Ở nội dung 400m hỗn hợp cá nhân nữ tại Giải vô địch châu Á lần này, Ánh Viên đã giành HCĐ với thành tích 4 phút 48 giây 23, tức là cải thiện so với thành tích giành HCB SEA Games một năm trước đến hơn 6 giây. Thành tích này cũng hơn kỷ lục SEA Games do Natthanan Junkrajang (Thái Lan) nắm giữ đến 2,65 giây.

 

Ấn tượng nhất vẫn là tấm HCB 200m bơi ngửa mà Ánh Viên giành được rạng sáng nay khi vượt qua hàng loạt đối thủ xuất sắc đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan... với thông số thành tích khá cao là 2 phút 12 giây 47. Ở vòng loại, Ánh Viên không bung sức tối đa nhưng vẫn đạt thành tích 2 phút 15 giây 05 để đứng thứ ba. Đến lượt bơi chung kết, cô đã xuất sắc vượt qua người đứng đầu vòng loại là Marie Kamimura (Nhật Bản) và rút ngắn được đến gần 3 giây thành tích so với vòng loại. Ánh Viên chỉ còn kém người về đầu là Bai Anqi khoảng hơn 1 giây (Trung Quốc, 2 phút 11 giây 38).

 

Trên thực tế, thành tích tập luyện của Ánh Viên cũng đạt mức xấp xỉ với thành tích HCV của Bai Anqi và mục tiêu của cô là sẽ giảm thời gian xuống mức dưới 2 phút 10 giây trong thời gian tới. Thành tích 2 phút 12 giây 47 của Ánh Viên cũng vượt 3,29 giây so với kỷ lục SEA Games do Yosaputra (Indonesia) lập ở SEA Games 26.

 

Với thành công của Ánh Viên, đoàn Việt Nam trở thành một trong hai đoàn của khu vực Đông Nam Á có tên trên bảng tổng sắp huy chương. Thậm chí, thành tích 1 HCB, 1 HCĐ của VN cũng ngang ngửa với đoàn Singapore, vốn luôn thống trị ở sân chơi khu vực.