Việt Nam lọt vào tốp 10 Asiad 18: Có khả thi?

23:59, 10/11/2012

Với lợi thế là nước chủ nhà, Việt Nam mạnh dạn đặt mục tiêu giành 10-15 HCV để lọt vào tốp 10 Asiad. Đây thực sự là một mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam, nhưng từ cơ sở nào mà chúng ta lại có thể đưa ra những con số ấn tượng như vậy?

 
Trong lịch sử các lần tham dự Asiad tính từ năm 1982 tới nay, chưa bao giờ thể thao Việt Nam lọt vào top 10 chung cuộc của Đại hội, và thành tích tốt nhất của chúng ta chỉ là vị trí 15/45 tại Asiad 2002 với 4 HCV. Tuy nhiên từ đó tới nay, thành tích của đoàn TTVN cứ ngày một đi xuống. So với bạn bè châu lục, TTVN có vị thế khá khiêm tốn.

 

Thành tích tại kỳ Asaid gần nhất năm 2010 chỉ có đúng 1 HCV. Còn ở kỳ Olympic tại London, Việt Nam thậm chí không có huy chương nào. Nhiều người cho rằng, chúng ta sẽ bị chê là một trong những nước chủ nhà yếu kém nhất trong lịch sử Asiad.

 

Việt Nam phấn đấu lọt vào tốp 10 Asiad 18.

 

Là người xây dựng đề án đăng cai Asiad, Phó Chủ tịch Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang cho rằng những lo lắng trên đây là hoàn toàn thiếu tích cực. Ông Giang cho rằng, TTVN dù không có nhiều huy chương ở những sân chơi lớn gần đây, nhưng có sự đi lên rõ rệt. Chẳng hạn như ở Olympic London, lần đầu tiên Việt Nam tham dự đầy đủ ở 5 môn Olympic cơ bản nhất là TDDC, điền kinh, bơi, bắn súng và cử tạ.

Đặc biệt cũng lần đầu tiên TTVN giành được tới 18 suất chính thức, điều mà các kỳ Olympic trước nằm mơ cũng không có. “Sau 7 năm nữa, TTVN sẽ phát triển hơn nhiều và chắc chắn đảm bảo được chuyên môn để có thể tranh tài sòng phẳng tại Asiad”, ông Giang khẳng định. Thậm chí theo ông Giang, nếu chuẩn bị tốt, Việt Nam còn có thể lọt vào tốp 8 hay tốp 6.

 

Những môn mà ông Giang nhận định sẽ là thế mạnh giúp Việt Nam tranh chấp huy chương tại Asiad 18, cũng đã được chỉ ra rất cụ thể. “Thứ nhất là không bỏ được 11 môn có VĐV đóng góp ở Olympic. Đó là những môn rất phù hợp với người Việt Nam.


Ngoài ra chúng ta có thể có bóng bàn, xe đạp không? đó là những môn có phong trào phát triển rất rộng lớn. Vấn đề còn lại là phải phát triển đỉnh cao, từ nền tảng phong trào lớn mạnh. Các môn khác như Canoing, boxing…chúng ta cũng đang có nhiều VĐV tài năng. Tôi cho rằng, chúng ta nên tập trung vào những phù hợp với thể lực yếu, thể hình bé nhưng mà trí thông minh có, linh hoạt”.

 

Karate sẽ là một trong những môn thế mạnh của TTVN ở sân chơi Asiad.

 

“TTVN đang đi rất đúng hướng theo chiến lược phát triển đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Bắt đầu từ Asiad năm 2014 tại Incheon (Hàn Quốc) trở đi, chương trình thi đấu chỉ có 28 môn thuộc hệ thống Olympic và 7 tới 9 môn thể thao khác như wushu, karate, kabbadi, cầu mây, bóng mềm, bóng chày, cricket…Theo tôi, việc Chính phủ phê duyệt danh sách 10 môn thể thao trọng điểm loại 1 và 22 môn thể thao nhóm trọng điểm loại 2 cần được đầu tư là rất hợp lý”, ông Giang nói.

 

Theo tiết lộ của ông Giang, Việt Nam đưa vào nội dung thi đấu 35 môn thể thao trong đó có 28 môn sẽ tổ chức ở Olympic 2020 và 7 môn thế mạnh của châu Á. Các môn đó là cầu mây, wushu, karatedo, bóng chày, kabadi, squash và đặc biệt là môn quốc võ Vovinam, môn được chờ đợi sẽ là mỏ vàng của TTVN, bên cạnh cầu mây, karatedp, taekwondo, bắn súng...


Dù có nhiều lợi thế nhưng việc đưa ra mục tiêu 10-15 HCV và lọt vào tốp 10 đại hội, không nhận được sự đồng tình của nhiều nhà chuyên môn. Ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng: “Đó là một mục tiêu hoang tưởng, không có cơ sở. Chúng ta mới có 2 HCB tại sân chơi Olympic, còn Asiad gần nhất có đúng 1 HCV ở môn karatedo. Cứ cho là trên sân nhà sẽ có nhiều lợi thế, nhưng phải nhìn thấy được lực lượng lúc đó là ai. Tôi nghĩ chúng ta chỉ lọt vào tốp 15 cũng là thành công”.