Đúng quá, nhưng chưa mấy ai chịu nghe

10:50, 05/12/2012

Nói về bóng đá Việt Nam, cho đến bây giờ thì câu nói của Huấn luyện viên A. Rield, một người có thời gian làm huấn luyện viên lâu nhất, hiểu bóng đá Việt Nam nhất cho rằng “bóng đá Việt Nam như đang xây nhà từ nóc” có lẽ là câu nói khó nghe nhưng đầy đủ nhất cho nền bóng đá nước nhà. Nhiều người ngẫm lại đều thấy rất đúng, nhưng chưa mấy ai nghe thấu và có cách khắc phục.

Để hiểu thêm về nhận định của ông A. Rield, chúng tôi xin nêu một vài suy nghĩ về bóng đá Việt Nam để mọi người người cùng suy ngẫm, ngõ hầu giúp ích gì chăng cho sự phát triển của bóng đá nước nhà.

 

Trước hết bóng đá Việt Nam được người dân hâm mộ không kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Trình độ bóng đá Việt Nam ở vào thời điểm những năm 1960- 1970 của thế kỉ trước cũng không hề thua kém Nhật Bản, Trung Quốc và hơn hẳn Thái Lan và các nước Đông Nam á. Như vậy tố chất, sự khéo léo của người Việt Nam cũng không hề thua kém người Nhật, người Hàn, người Trung Quốc, người Thái trong thực hiện các kĩ năng của môn thể thao bóng đá. Vậy mà cho đến nay ai cũng biết bóng đá Việt Nam chỉ ở vào trình độ hạng trung bình của khu vực Đông Nam á- là vùng trũng nhất của bóng đá thế giới. Còn các nước khác nền bóng đá của họ vẫn phát triển, trong đó phải kể đến sự phát triển thần kì của Nhật Bản. Hiện nay, Nhật Bản đã có nền bóng đá không hề thua kém các quốc gia châu Âu, châu Mỹ và đang đứng hàng đầu châu á (kể cả bóng đá nam và nữ). Các quốc gia trong khu vực thì Thái Lan từ chỗ kém ta, nay đã ở một đẳng cấp hơn hẳn ta và họ đang nhằm hướng tới là một quốc gia có nền bóng đá mạnh của châu á và thế giới.

 

Vậy ta kém vì đâu ? chuyên gia bóng đá A. Rield đã chỉ rõ như đã nói ở trên. Chúng ta một thời khó khăn nhưng bóng đá vẫn thực chất với các câu lạc bộ danh tiếng như Thể Công, Công An Hà Nội, Hải Phòng … thi đấu ngang ngửa với các đội bóng châu Âu. Và khi chúng ta khấm khá về kinh tế, bóng đá hướng đến hoạt động chuyên nghiệp hoá và tăng cường hội nhập. Hướng đi là đúng, nhưng cách làm có nhiều vấn đề. Các câu lạc bộ thay tên, đổi chủ liên tụcdo đồng tiền chi phối. Các ông chủ làm bóng đá ít vì bóng đá mà chủ yếu lợi dụng bóng đá đến quảng bá thương hiệu và làm ăn với nhiều mục đích khác, họ sẵn sàng bỏ nhiều tiền để mua đội bóng, cầu thủ nước ngoài, nhập tịch cầu thủ để có được danh hiệu này nọ cho đội bóng. Và như thế cuộc chạy đua bằng tiền trong bóng đá không có điểm dừng. Hậu quả là bóng đá Việt Nam ít được đàu tư cho đào tạo cầu thủ trẻ. Các cầu thủ Việt Nam cũng không có nhiều cơ hội được ra sân trong các vị trí quan trọng. Một số cầu thủ người Việt có chút tài năng cũng được đẩy gía lên cao quá thực chất, họ cũng ngộ nhận về tài năng của mình và mắc bệnh ngôi sao, họ mong được gọi vào đội tuyển quốc gia để đánh bóng thương hiệu, nhưng khi thi đấu lại lo giữ giò, giữ cẳng để còn được tăng giá trị khi chuyển nhượng và lương cao khi thi đấu tại câu lạc bộ.

 

Và nay, khi gặp khủng hoảng kinh tế, các ông bầu chán bóng đá và không còn kiếm lời từ bóng đá thì có thể coi bóng đá Việt Nam gần như trở về mặt bằng thấp trong khu vực. Người hâm mộ thờ ơ với các giải thi đấu trong nước và thất vọng trước sự tụt lùi của đội tuyển quốc gia tại các giải thi đấu quốc tế. Đúng là bóng đá xây nhà từ nóc thật. Trớ trêu nhưng lại là hiện thực của bóng đá Việt Nam.

 

Thật may trong sự u ám của bóng đá nước nhà, thì vẫn còn có điểm loé sáng, làm hi vọng cho một cách làm bóng đá có Tâm và Tầm cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Một ông bầu, một doanh nhân danh tiếng Đoàn Nguyên Đức đã đầu tư cho đào tạo tài năng trẻ bóng đá của  câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai qua mô hình liên kết đào tạo với một câu lạc bộ danh tiếng nước Anh. Các điều kiện và phương thức đào tạo từ tuyển chọn, huấn luyện, nuôi dưỡng đều rất tiên tiến, hiện đại. Hiện nay lứa cầu thủ đầu tiên đã sắp ra lò, trong đó có 4 học viên xuất sắc nhất đã được đưa sang Anh để thử sức và đào tạo tiếp.

 

Từ cách làm của Hoàng Anh Gia Lai cho thấy, nếu như tại Việt Nam, các địa phương, các ông chủ đội bóng cũng đầu tư cho đào tạo trẻ một cách bài bàn và tiên tiến như Hoàng Anh Gia Lai thì chúng ta cũng sẽ có được số lượng các cầu thủ Việt Nam có đủ tài năng và bản lĩnh để đủ sức chinh phục các giải thi đáu trong khu vực, châu á và thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên để có được điều đó phải mất thời gian. Người Nhật cũng phải mất hơn 20 năm đầu tư mạnh mẽ trong đào tạo cầu thủ mới có được sự tiến bộ đích thực để chinh phục các đỉnh cao bóng đá. Vì vậy bóng đá Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất để tiến lên đó là quan tâm đào tạo các tài năng bóng đá một cách hiệu quả và thực chất; các giải thi đấu trong nước cũng phải do chính những cầu thủ Việt Nam thi tài và thi đấu trung thực. Các cầu thủ ngoại khi thi đấu các giải tại Việt Nam nếu có phải là những cầu thủ giỏi thực sự để làm mẫu cho các cầu thủ Việt Nam cọ sát, học hỏi. Còn với tình trạng các cầu thủ ngoại, cầu thủ nhập tịch không mấy tài năng đang thi đấu tràn lan tại giải chuyên nghiệp và hạng nhất tại Việt Nam như vừa qua là không mấy tác dụng, thậm chí là phản tác dụng. Mong rằng bóng đá Việt Nam sớm hoạt động theo kiểu xây nhà từ móng.