Wushu và vật đã giúp Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) có một khởi đầu tốt tại SEA Games 27, tuy nhiên, những “cơn mưa vàng” của TTVN vẫn đang ở phía trước. Đặc biệt, chưa bao giờ Việt Nam lại kỳ vọng đến thế vào các môn thể thao cơ bản là điền kinh và bơi.
Trong vòng một thập kỷ trở lại đây, TTVN đã không ngừng khẳng định sự lớn mạnh của mình trên đấu trường quốc tế. Tại SEA Games, kể từ kỳ Đại hội diễn ra trên sân nhà năm 2003 đến nay, Việt Nam đã luôn duy trì được một vị trí trong tốp 3 đoàn thể thao xuất sắc nhất. Ở đó, những môn thể thao cơ bản luôn có những đóng góp lớn vào thành công chung của TTVN. Hơn thế, tại Olympic London 2012, lần đầu tiên trong lịch sử, TTVN có số lượng vận động viên giành vé chính thức tham dự đại hội đông đảo đến thế: 18 VĐV.
Đó chính là những cơ sở để TTVN tiếp tục có chính sách đầu tư mạnh mẽ cho các môn thể thao cơ bản trong những năm qua, tin tưởng sức trẻ Việt Nam sẽ vươn mình ra khỏi sự bó hẹp của khuôn khổ SEA Games, để hướng tới chinh phục những đỉnh cao Asiad và Olympic trong những năm tới, đặc biệt là kỳ Asiad 18 trên sân nhà vào năm 2019.
Nhớ lại những thời điểm các VĐV bơi Việt Nam thường “lóp ngóp” về đích sau các đối thủ tới vài mét và phải chờ tới Trần Xuân Hiền năm 2001 mới có được tấm huy chương SEA Games đầu tiên sau 28 năm chờ đợi (mà chỉ là HCB), càng thấy mừng cho sự phát triển nhanh chóng của lứa VĐV trẻ hiện nay. Ai bảo bơi Việt Nam thiếu tài năng? Vấn đề chỉ là sự quan tâm và cách thức đầu tư.
Hiện tại, các đối thủ SEA Games đều đang “gờm” Nguyễn Thị Ánh Viên. Cô gái 17 tuổi này đang có những chỉ số chuyên môn vượt trội so với tầm Đông Nam Á và đang được chờ đợi sẽ bùng nổ dữ dội trên đường đua xanh Myanmar, trở thành một “Ian Thorpe” của khu vực.
Ngoài Ánh Viên, bơi Việt Nam hiện còn có những cái tên xuất sắc khác là Hoàng Quý Phước, Trần Duy Khôi. Tài năng của Quý Phước đã được khẳng định qua 2 HCV tại SEA Games 26, ở các nội dung không chỉ còn là bơi ếch như Xuân Hiền hay Nguyễn Hữu Việt trước đây (Quý Phước vô địch 100m tự do và 100m bướm). Trong khi đó, Duy Khôi mới 16 tuổi, nhưng đã có những thành tích xuất sắc. Năm 2012, Duy Khôi đã phá kỷ lục quốc gia ở nội dung 200m hỗn hợp và hiện được xem là đối trọng của Quý Phước ở sân chơi nội địa.
Ở môn thể thao “nữ hoàng” là điền kinh, các VĐV trẻ tài năng cũng đang chiếm phần lớn số lượng các thành viên đội tuyển Việt Nam hiện có mặt ở SEA Games 27. Nếu như ở các kỳ đại hội gần đây, Trương Thanh Hằng hay Vũ Thị Hương luôn là tâm điểm của sự chú ý, là ngôi sao không chỉ của bộ môn điền kinh mà của cả Đoàn TTVN, thì nay, “quyền lực” đó đang dần được chuyển giao cho lứa VĐV mới, tràn trề nhiệt huyết và năng lượng.
Đó là Quách Thị Lan, cô gái xứ Mường 17 tuổi đang gây chấn động giới chuyên môn bằng những thông số tuyệt vời ở nội dung 400m rào, cũng như 400m. Thành tích của Lan hiện tương đương với thành tích huy chương châu Á và cô đang được ngành và địa phương chung tay đầu tư mạnh, hướng tới Asiad 2014.
Đó là Nguyễn Thị Oanh, một VĐV nữa cũng mới 17 tuổi. Tại Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á 2013, Oanh đã giành tới 5 HCV. Sau đó, tại giải điền kinh vô địch quốc gia 2013, cô cũng đoạt 3 HCV.
Đó còn là Đỗ Thị Thảo, người đang được kỳ vọng sẽ lấp đầy khoảng trống của Thanh Hằng ở các cự ly trung bình (800m, 1.500m). Và là Dương Thị Việt Anh và Phạm Thị Diễm ở nội dung nhảy cao, là Trần Huệ Hoa (nhảy 3 bước), chị em Nguyễn Thị Thanh Phúc - Nguyễn Thành Ngưng (đi bộ)...
Dựa vào những thông số thành tích gần đây, bơi và điền kinh dự kiến sẽ mang lại cho TTVN trên dưới 20 HCV tại SEA Games 27. Nếu chủ nhà Myanmar không loại thể dục dụng cụ ra khỏi chương trình thi đấu, số lượng HCV ở nhóm các môn thể thao cơ bản sẽ có thể là khoảng 30 chiếc. Dù sao, con số 20 cũng không phải là một con số nhỏ, tại một kỳ đại hội mà TTVN đặt chỉ tiêu giành trên 70 HCV ở 29 môn thi đấu.
Mọi tấm huy chương đều giá trị, bởi đó là mồ hôi, nước mắt của VĐV và là công sức của cả một tập thể, nhưng với bất kỳ đoàn thể thao nào tại SEA Games, họ sẽ tự hào hơn nếu giành vinh quang ở những môn Olympic. Đó chính là sự khác biệt.