Nỗi niềm nữ wushu tán thủ

17:40, 30/03/2016

Chính thức từ năm 2004, trong “làng” thể thao thành tích cao Thái Nguyên có thêm bộ môn võ thuật Wushu tán thủ nữ. Dù điều kiện tập luyện cũng như chế độ dinh dưỡng dành cho nữ võ sĩ luôn trong tình trạng khó khăn, nhưng bằng niềm đam mê, các thế hệ nữ Wushu tán thủ luôn vượt lên tất thảy, bước lên đài chiến thắng bằng ánh vàng tấm huy chương.

Chị Đỗ Thị Thuý, Huấn luyện viên (HLV) bộ môn Wushu tán thủ cho biết: Hiện, bộ môn này tại Trung tâm Thể dục Thể thao (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) có 14 vận động viên (VĐV), (Thái Nguyên chưa có Wushu nam). Em út nhất trong bộ môn là Bàng Thị Mai, 16 tuổi. Còn đàn chị là Đỗ Thị Nam, 25 tuổi. Tất cả các thành viên trong bộ môn đều từng đăng đài và giành được huy chương.

 

Nhưng tôi biết, để làm nên những tấm huy chương, những thành tích đáng nể, hầu hết các nữ võ sĩ đều phải hy sinh rất nhiều. Thay sự hồn nhiên của tuổi thơ và niềm kiêu sa, điệu đà con gái là việc tập luyện đòn đấm, đòn đá, cầm nã, quật, vật… Khi tận mắt chứng kiến cảnh con gái mình tập luyện, mồ hôi bê bết lẫn ít huyết hồng tứa ra trên khoé miệng, nhiều phụ huynh đã không cầm được lòng, xin cho con gái được giải nghệ, về nhà tập tành “nữ công gia chánh”. Chị Thuý cho biết thêm: Cường độ tập luyện cao, trung bình 6 tiếng/ngày, song hiện chế độ dinh dưỡng dành cho các nữ VĐV còn rất khiêm tốn, 60.000 đồng chia cho 3 bữa ăn trong ngày. Để đảm bảo… có đủ calo cho VĐV, chúng tôi cố gắng săn siu, ưu tiên trong khẩu phần có cơm nhiều, thịt giảm… theo giá thị trường từng thời điểm.

 

Qua câu chuyện chúng tôi còn được biết: Trước khi trở thành HLV, chị Thuý từng là VĐV của bộ môn Wushu. Hơn nữa, chị còn là VĐV thuộc thế hệ đầu tiên của bộ môn Wushu tán thủ nữ của tỉnh. Hàng chục lần lên đài đấu, chưa bao giờ chị về tay không. Lòng chị ắp đầy niềm tự hào của người đấu sĩ, trong suốt 9 năm làm VĐV (2004-2012), năm nào chị cũng giành được Huy chương Vàng tại các giải thi đấu quốc gia. Năm 2008, chị được tuyển thẳng vào Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh. Năm 2012, chị tốt nghiệp đại học loại giỏi, trở thành HLV bộ môn Wushu tán thủ nữ tại Trung tâm Thể dục Thể thao tỉnh. Ngoài những tấm huy chương giành được trên các đấu trường Quốc gia, năm 2010, chị Thuý được Tỉnh đoàn Thái Nguyên trao tặng danh hiệu “Thanh niên điển hình tiên tiến làm theo lời Bác”; Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Vậy nhưng, sau mỗi ngày gồng mình hướng dẫn cho các VĐV tập luyện những đòn tay, chân, vật, công, bắt chân đánh ngã, đánh đối phương ra đài, phối hợp tay chân liên hoàn…, trở về gian phòng tập thể, chị bận bịu với đủ thứ công việc như bao người phụ nữ trong gia đình. Chồng công tác xa nhà, con trai mới hơn 1 tuổi, mọi việc dồn lên vai… Đêm nằm, chị thao thức, mơ ước có một mái nhà riêng.

 

Trở lại câu chuyện với các nữ VĐV bộ môn Wushu tán thủ, VĐV Đỗ Thị Nam cho biết: Gần 10 năm tham gia bộ môn này (2007-2016), em thi đấu ở nhiều hạng cân khác nhau, và hiện đang tập luyện tham gia thi đấu ở hạng cân 65 kg… Qua câu chuyện tôi biết: Nam có một bề dày thành tích thi đấu đáng nể tại các đài đấu Vô địch trẻ toàn quốc; Vô địch toàn quốc; Cup Vô địch toàn quốc và Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc. Chị được nhiều VĐV hạng 65kg làng Wushu Quốc gia gọi bằng cái tên “Bất khả chiến bại”, với 10 Huy chương Vàng ở 10 giải đấu từ năm 2010 đến nay. Hỏi về tâm tư nguyện vọng cho tương lai, chị Nam suy tư: Tôi mong muốn sau khi dã từ đài đấu, được tiếp tục cống hiến cho làng Wushu Thái Nguyên những kinh nghiệm, kỹ thuật, chiến thuật thi đấu tôi được lớp trước truyền dạy, và kinh nghiệm cá nhân tôi đúc kết được trong thi đấu.

 

25 tuổi, cũng là lúc nữ võ sĩ lo lắng cho tương lai đời mình, biết sẽ làm gì mưu sinh khi tuổi thơ căng sức, gồng mình với những đón đấm, đá, quăng quật, vật, bật… Không bàn chuyện mất đi nữ tính, mà cái sự khổ luyện võ thuật luôn đi cùng đau đớn thân xác. Như bản thân chị Nam, trong một buổi tập đã bị gãy tay trái (năm 2008), nhưng chỉ sau 1 tháng đã trở lại tập luyện, ngay năm 2009, chị tham gia 3 giải thi đấu Quốc gia, cả 3 giải đều được huy chương, trong đó có 1 Huy chương Vàng Giải Vô địch trẻ toàn quốc. Biết rằng, không có con đường nào đến vinh quang được trải bằng hoa hồng. Nhưng có lẽ cực nhọc, gian khổ, nhiều chông gai nhất là bộ môn Wushu tán thủ nữ Thái Nguyên tôi được chứng kiến.

 

Wushu tán thủ nữ, ví như đứa con của người mẹ nghèo, nên hằng ngày các nữ VĐV cơ bản được ăn cơm no, nhưng chưa đủ chất để có thể tham gia tập luyện một số bài tập ở mức độ khó hơn. Nhất là điều kiện về phòng tập, có dạo tập nhờ tại Cung Thiếu nhi T.P Thái Nguyên, lúc tập nhờ Trung tâm Dịch vụ và Thi đấu Thể thao tỉnh… và hiện đang tập luyện tại nhà vòm, sát tường rào sân vận động tỉnh. Vì ba bề không có tường bao nên trông nơi tập luyện của bộ môn giống như nhà trông giữ xe của cơ quan Nhà nước. Cơ sở vật chất phục vụ tập luyện tạm bợ, thầy trò phải dùng bao bố buộc vào cột nhà để tập đấm, đá. Nhiều khi chệch đòn thì đầu, tay hoặc chân “chơi” thẳng vào tường. Tay, chân tứa máu cũng chỉ nhìn nhau mà xoa xuýt. Bong gân, trẹo khớp là chuyện nhỏ của VĐV trong bộ môn, như trường hợp VĐV Lục Thị Kim Anh bị bật khớp tay, Đồng Thị Huyền bị chệch khớp vai, Đặng Thị Ngôn bị đứt dây chằng... Vậy nhưng nữ VĐV bộ môn Wushu tán thủ của tỉnh đều lạc quan bước vào các mùa giải, được bạn bè đồng môn trong cả nước đánh giá cao.

 

Hằng ngày, trên sàn tập, thầy trò nữ Wushu tán thủ luôn bền bỉ tập luyện. Bàng Thị Mai, 16 tuổi và Nguyễn Thị Bích, 17 tuổi, 2 nữ VĐV trẻ nhất của bộ môn cho biết: Chúng em là nữ VĐV kiện tướng, từng giành được nhiều huy chương thông qua các mùa giải. Chúng em đang tập luyện, sẵn sàng tham dự Giải Vô địch Wushu nữ toàn quốc năm 2016. Giải được tổ chức tại T.P Hồ Chí Minh vào tháng Tư năm nay.

 

Chị Thuý, HLV của bộ môn cho biết thêm: Tham dự Giải này, Đoàn Thái Nguyên dự kiến có 8 VĐV tham gia ở các hạng cân từ 45 kg đến 75 kg. Lúc này, thầy - trò chúng tôi động viên nhau khắc phục mọi khó khăn, gắng tập luyện thật tốt để tham gia thi đấu. Còn về số huy chương do lãnh đạo cấp trên giao, xin đợi ở lễ tổng kết Giải, vì tất cả còn có những bất ngờ từ đài đấu.