Tin tưởng nhưng đừng ảo tưởng

16:21, 03/03/2016

Thế rồi sau nhiều tranh cãi, bàn luận, chiếc ghế “nóng” Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam đã có chủ. Một huấn luyện viên người Việt Nam - ông Nguyễn Hữu Thắng - cựu huấn luyện viên (HLV) đội Sông Lam Nghệ An đã được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) chọn. Hợp đồng cũng đã được 2 bên ký kết vào ngày 3-3-2016.

Việc ông Nguyễn Hữu Thắng được chọn làm HLV trưởng Đội tuyển bóng đá Quốc gia được nhiều người hâm mộ chú ý, bởi cho đến thời điểm hiện nay nhiều HLV người nước ngoài dẫn dắt đội tuyển Việt Nam đều không mấy thành công (ngoại trừ HLV Calisto). Gần đây nhất, HLV Miura - người Nhật Bản cũng được nhiều người kỳ vọng sẽ mang lại thành công cho đội tuyển Việt Nam, nhưng cũng đã phải chấm dứt hợp đồng sớm do không đạt được thành tích tốt. Vậy nên VFF đã lại phải quay lại phương án dùng HLV người Việt để dẫn dắt đội tuyển quốc gia. Được đa số các HLV trong nước ủng hộ và đặc biệt là chính ông Nguyễn Hữu Thắng được cho là đã dũng cảm nhận nhiệm vụ với rất nhiều áp lực và rủi ro này, nên hợp đồng đã được ký kết. Ông Nguyễn Hữu Thắng sẽ được làm HLV trưởng cả 2 đội: Tuyển quốc gia và đội tuyển U-23 Việt Nam. Trách nhiệm của ông Nguyễn Hữu Thắng cũng rất nặng nề khi phải đưa đội tuyển quốc gia lọt vào trận chung kết giải vô địch bóng đá Đông Nam Á-2016 (AFF Cúp) và đưa đội tuyển bóng đá U-23 Việt Nam đoạt Huy chương Vàng tại SEA Games 29 tại Malaysia vào năm 2017. Với chỉ tiêu này khi mà bóng đá Việt Nam chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại thì nhận định ông Nguyễn Hữu Thắng rất dũng cảm quả là không có gì quá lời.

 

Theo nhận định của đa số giới chuyên môn thì tại thời điểm này nếu dùng HLV người Việt Nam thì ông Nguyễn Hữu Thắng là người phù hợp. Ông Thắng chí ít cũng là người có thể mang lại niềm tin cho người hâm mộ và giới chuyên môn. Trước hết ông Nguyễn Hữu Thắng từng là cầu thủ có đẳng cấp, lão luyện trong thi đấu, nên ông hiểu rõ cầu thủ Việt Nam, tố chất cầu thủ Việt Nam và cũng hiểu rõ cầu thủ phải chịu áp lực như thế nào khi bước vào các giải thi đấu quan trọng. Ông có 8 năm liên tục khoác áo truyển thủ quốc gia, đoạt quả bóng Bạc năm 2007 và quả bóng Đồng năm 2003. Về thành tích huấn luyện, ông Thắng đã đưa đội tuyển U-20 Việt Nam lọt vào vòng bán kết U-20 Đông Nam Á năm 2005; đưa đội Sông Lam Nghệ An đoạt chức vô địch quốc gia năm 2011, vô địch cúp quốc gia năm 2010 và đoạt Siêu cúp quốc gia năm 2011. Về chuyên môn ông Nguyễn Hữu Thắng đã có chứng chỉ A huấn luyện viên của AFC và đang theo học khoá huấn luyện viên chuyên nghiệp của AFC.

 

Với những gì mà HLV Nguyễn Hữu Thắng đã làm được khi là cầu thủ và công tác huấn luyện, những nhà chuyên môn, giới truyền thông và người hâm mộ có thể tin vào một kết quả tốt hơn cho đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên ở một cương vị là HLV trưởng đội tuyển quốc gia sẽ rất khác, thậm chí khác xa so với khi huấn luyện tại một câu lạc bộ. Chúng ta cũng đã có không ít huấn luyện viên người Việt dẫn dắt đội tuyển quốc gia nhưng không thành công. Vì vậy rất cần một sự động viên, tin tưởng vào HLV Nguyễn Hữu Thắng, nhưng cũng đừng quá ảo tưởng vảo một thành tích đột biến của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV này. Có như vậy chúng ta mới không tạo nên áp lực không cần thiết cho bản thân ban huấn luyện, HLV trưởng và các cầu thủ.