Những người truyền lửa cho phong trào bóng bàn

19:52, 07/03/2020

Mỗi người đều có cuộc sống, công việc riêng, thế nhưng tất cả đều có điểm chung là niềm đam mê và mong muốn làm điều gì đó cho sân chơi phong trào thêm phong phú, hấp dẫn.  

Suốt những năm qua, những người truyền lửa cho phong trào đã tổ chức ra một giải đấu thường niên, kéo dài liên tục từ 7-9 tháng trong một năm với hàng trăm vận động viên (VĐV) nghiệp dư trong và ngoài tỉnh tham dự. Thời điểm khởi phát luồng gió mới cho phong trào bóng bàn tỉnh là năm 2013. Khi ấy, anh Trần Đức Quỳnh, Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng bàn tỉnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Giấy xuất khẩu đã cùng một số cây vợt như: Nguyễn Thế Anh (CLB Bảo An), Đỗ Đức Dũng (CLB Việt Y), Nguyễn Văn Chiến (Đại học Thái Nguyên)… đứng ra thành lập Hội những người yêu Bóng bàn Thái Nguyên nay là Diễn đàn Bóng bàn Thái Nguyên. Tại đó, những con người có cùng đam mê, tâm huyết với bộ môn này đã cùng nhau ngồi lại, tìm giải pháp nhằm đưa phong trào bóng bàn đi lên.

Hàng loạt các giải đấu được Ban Quản trị Diễn đàn Bóng bàn Thái Nguyên tổ chức theo hình thức xã hội hóa, sau đó đã mang lại tiếng vang lớn. Tuy nhiên, các giải đấu này mới chỉ mang tính chất “thời vụ”. Những người làm phong trào lúc ấy luôn nghĩ đến một sân chơi chuyên nghiệp, mang tính liên tục, thu hút mọi lứa tuổi, trình độ mà họ đã từng được biết đến ở các địa phương khác. Sau một thời gian ấp ủ, năm 2016, Giải Bóng bàn Thái Nguyên Premiership (Giải các CLB bóng bàn Thái Nguyên) năm thứ nhất chính thức được khởi tranh. Vượt qua những khó khăn, trở ngại về kinh phí, kinh nghiệm lần đầu tổ chức, mùa giải đầu tiên đã thành công ngoài sự mong đợi. 

Anh Trần Đức Quỳnh, Trưởng Ban Quản trị Diễn đàn cho biết: “Giải đấu này được chúng tôi áp dụng theo hệ thống Giải remiership Hà Nội nhưng có một số điều chỉnh để phù hợp với mặt bằng chung của tỉnh. Theo đó, chúng tôi phân chia hạng A, B, C cho các VĐV theo trình từ cao đến thấp. Việc tính điểm và xếp hạng được dựa theo một công thức chung thuộc hệ thống. Hằng năm, dựa trên kết quả đó mà chúng tôi bình xét các VĐV lên hoặc xuống hạng. Tuy là nghiệp dư nhưng hệ thống giải, cách tính điểm và quản lý dữ liệu này phản ánh rõ thời điểm và phong độ từng VĐV”. 

Điểm tạo nên sự lôi cuốn, hấp dẫn của giải đấu chính là việc phân hạng theo trình độ tương ứng của các VĐV. Người có thứ hạng cao khi thi đấu với hạng thấp sẽ phải chấp bóng theo quy định của Ban Tổ chức để tạo nên thế trận cân bằng. Vì vậy, các đội tham gia đều có cơ hội tranh chấp giải, những VĐV cao tuổi, có độ thấp hơn vẫn có khả năng chiến thắng trước những người chơi giỏi hơn nhờ được chấp bóng. Đây là một trong những yếu tố khiến Giải ngày càng thu hút đông đảo VĐV tham gia. Qua 4 mùa, số lượng các đội và các VĐV ngày càng tăng lên. Nếu như ở mùa giải năm 2016 chỉ có 80 VĐV đến từ 12 CLB, thì năm 2019, đã thu hút trên 250 VĐV đến từ 22 CLB tham gia. Thậm chí, Giải còn xuất hiện nhiều VĐV ngoại tỉnh có trình độ chuyên môn cao xin về đầu quân cho các đội. Với thể thức kéo dài liên tục trong năm, thi đấu vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, những người yêu bóng bàn có điều kiện giao lưu, thi đấu thường xuyên hơn, thúc đẩy tinh thần tập luyện của các CLB.

Có thể nói, các thành viên trong Ban Quản trị Diễn đàn là những người làm việc thầm lặng đứng phía sau thành công của giải đấu. Không muốn dành cho mình một chức danh cụ thể, hào nhoáng, điều mà họ quan tâm nhất chỉ là tổ chức giải đấu được thành công. Các anh dù rất bận rộn với công việc riêng nhưng đều có chung tình yêu dành cho môn bóng bàn nên đã bỏ thời gian, công sức cống hiến, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho những người cùng niềm đam mê. Qua thực tế theo dõi các mùa giải, tôi tận mắt chứng kiến không khí cuồng nhiệt, vô tư của giải đấu, những tình cảm chân tình giữa các VĐV và những người tổ chức. Tất cả người chơi được hỏi đều rất yêu quý và ủng hộ các anh, đều mong muốn các anh tổ chức nhiều giải ở các nội dung khác nữa, mong các anh luôn giữ lửa nhiệt tình để duy trì công tác tổ chức, tạo sân chơi giao lưu, học hỏi giữa những người chơi bóng bàn với nhau.