Bóng chuyền Việt Nam: Nỗ lực cho tầm nhìn dài hạn

04:53, 27/12/2020

Tại Giải vô địch Bóng chuyền quốc gia năm 2020 vừa kết thúc tại tỉnh Đắk Lắk, khán giả đã chứng kiến nhiều màn so tài hấp dẫn của các đội bóng tham dự. Dù chất lượng cầu thủ bóng chuyền Việt Nam luôn được đánh giá cao, song bóng chuyền nước ta cần nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt là việc củng cố lực lượng ở nhiều mặt để phục vụ cho tầm nhìn dài hạn.

Gian nan tạo nguồn lực lượng

Giải vô địch Bóng chuyền quốc gia năm 2020 diễn ra từ ngày 9 đến 20-12, tại Nhà thi đấu thể dục, thể thao tỉnh Đắk Lắk đã khép lại, với chức vô địch thuộc về đội nữ Thông tin LienVietPostBank và đội nam Sanest Khánh Hòa. Giải đấu là cuộc rà soát lực lượng, chuẩn bị cho các sân chơi quốc tế, trong đó quan trọng nhất là Đại hội Thể thao Đông Nam Á sẽ diễn ra tại Việt Nam vào năm 2021 (SEA Games 31-2021).

Giải năm nay chứng kiến sự thay đổi rất lớn ở vị trí xếp hạng các đội bóng nữ. Ở những giải đấu trước, các đội: Thông tin LienVietPostBank, Bình Điền Long An, Ngân hàng Công Thương... thường cán đích ở tốp đầu, nhưng năm nay chỉ còn Thông tin LienVietPostBank giữ được phong độ, đoạt ngôi vô địch, xếp sau là các đội: Hóa chất Đức Giang, Kinh Bắc Bắc Ninh...

Tương tự với bóng chuyền nam, ở các giải đấu trước, đội Biên Phòng gần như không có đối thủ cạnh tranh chức vô địch, nhưng năm nay đã tụt xuống vị trí thứ tư (thua đội Ninh Bình trong trận tranh hạng ba - tư).

Theo Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường, sở dĩ nhiều đội bóng từng ở tốp đầu, nhưng năm nay bị tụt hạng là do thiếu lứa cầu thủ trẻ kế cận, đủ trình độ để thi đấu các giải đấu quốc gia và quốc tế. Khó khăn nhất trong công tác đào tạo trẻ của bóng chuyền Việt Nam hiện nay là số lượng các vận động viên theo đuổi môn này ngày càng ít.

Về vấn đề này, vận động viên Nguyễn Linh Chi (Thông tin LienVietPostBank) chia sẻ, để theo đuổi tới cùng con đường thể thao chuyên nghiệp, các vận động viên phải đam mê, khổ luyện với tinh thần lạc quan.

Còn theo huấn luyện viên đội Thông tin LienVietPostBank Bùi Huy Sơn, đội là một trong số ít đơn vị được đầu tư bài bản, có đủ ba tuyến vận động viên. Tuy nhiên, huấn luyện viên Bùi Huy Sơn cũng cho rằng, việc tuyển chọn vận động viên năng khiếu gặp rất nhiều khó khăn. “Mỗi năm, đội chỉ tuyển được 7-8 vận động viên ở tuyến năng khiếu (13-14 tuổi), sau đó chọn được khoảng 6-7 người lên đội trẻ và chỉ 2-3 vận động viên lên được tuyến 1. Điều này khiến diện tuyển chọn cầu thủ đủ trình độ thi đấu cho đội tuyển quốc gia bị hạn chế", ông Bùi Huy Sơn nói.

Nhiều giải pháp tạo nền móng

Theo Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường, chất lượng cầu thủ bóng chuyền của Việt Nam ở cả đội nam và đội nữ đều thuộc nhóm hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Song, sự cạnh tranh trong làng bóng chuyền khu vực những năm gần đây trở nên quyết liệt hơn, khi các nước đều đầu tư mạnh mẽ để hướng đến ngôi vô địch SEA Games và vươn ra đấu trường châu lục. Để thực hiện được mục tiêu này, bóng chuyền Việt Nam phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, qua đó tạo nền móng vững chắc.

Cũng theo ông Lê Trí Trường, từ tháng 12-2021, huấn luyện viên Li Huannin (người Trung Quốc) đã sang Việt Nam, hoàn thành việc cách ly và đảm nhận trách nhiệm dẫn dắt đội tuyển bóng chuyền nam của nước ta (hội quân vào đầu tháng 1-2021), với mục tiêu giành ngôi vô địch SEA Games 31-2021. Sự góp mặt của huấn luyện viên Li Huannin, từng đưa đội tuyển nam Trung Quốc giành Huy chương đồng châu Á và đội tuyển nam trẻ Trung Quốc đứng thứ 11 thế giới, được giới chuyên môn đánh giá dự báo sẽ mang lại hiệu ứng tích cực cho đội tuyển bóng chuyền nam nói riêng và bóng chuyền Việt Nam nói chung. 

Còn theo ông Bùi Đình Lợi, phụ trách môn bóng chuyền, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội, vận động viên bóng chuyền Việt Nam hiện nay thiếu cơ hội “va đập” với các hảo thủ nước ngoài để nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh, kinh nghiệm. Về lâu dài, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cần tổ chức nhiều giải đấu cho các đội trẻ để tuyển chọn những vận động viên xuất sắc cho đội tuyển quốc gia. Đội tuyển bóng chuyền nam cần được tập trung nhiều đợt hơn và được thi đấu quốc tế nhiều hơn, thay vì chỉ tham gia 1-2 giải/năm như thời gian qua.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn cho rằng, để có các đội tuyển bóng chuyền mạnh, thầy giỏi trò hay, bên cạnh mục tiêu ngắn hạn giành thành tích tốt tại SEA Games 31-2021, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cần cải thiện công tác đào tạo - huấn luyện, cách thức vận hành các giải đấu quốc gia, đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa... Có như vậy, bóng chuyền Việt Nam mới phát triển bền vững.