Năm 2023, đội tuyển cử tạ Việt Nam hướng tới hàng loạt mục tiêu quan trọng, trong đó có tấm HCV SEA Games 32, vé tham dự Olympic Paris 2024, huy chương ASIAD 19. Trước mắt, vào tháng 5 tới, đội tuyển sẽ chia đôi đội hình để thực hiện mục tiêu kép: Thi đấu tốt ở SEA Games 32 và Giải vô địch cử tạ châu Á năm 2023 - giải đấu tích điểm xét vé dự Olympic Paris 2024.
Một buổi tập của đội tuyển cử tạ quốc gia chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế trong năm 2023. Ảnh: Nguyễn Quang |
Không còn lựa chọn khác
Từ đầu năm 2023, Ban huấn luyện đội tuyển cử tạ Việt Nam đã phải tính toán nhân sự cho SEA Games 32 cũng như Giải vô địch cử tạ châu Á năm 2023. Tại SEA Games 32, đội tuyển cử tạ hy vọng giành 1 - 2 HCV để góp phần đưa Đoàn Thể thao Việt Nam lọt vào nhóm 3 đoàn dẫn đầu. Mục tiêu này càng quan trọng khi tại SEA Games 32, thể thao Việt Nam gặp không ít khó khăn từ việc giới hạn số lượng nội dung thi đấu theo điều lệ của nhiều môn, đặc biệt là các môn võ.
Giải vô địch cử tạ châu Á năm 2023 cũng đặc biệt quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến việc xét vé dự Olympic Paris 2024. Nếu không dự hoặc đạt thành tích không tốt tại giải này, coi như cơ hội tham dự Olympic Paris 2024 của cử tạ Việt Nam sẽ khép lại. Không kể, vào năm ngoái, đội tuyển cử tạ Việt Nam đã không dự Giải vô địch cử tạ thế giới, đồng nghĩa với việc mất một cơ hội đáng kể để tích lũy điểm xét vé dự Olympic 2024. Trong tính toán của Tổng cục Thể dục Thể thao, hiện tại chỉ 1 - 2 môn của thể thao Việt Nam có thể giành huy chương ở đấu trường Olympic, trong đó có cử tạ. Vì thế, mục tiêu ưu tiên vẫn là giành vé dự Olympic Paris 2024.
Giải vô địch cử tạ châu Á năm 2023 diễn ra ở Hàn Quốc từ ngày 3 đến 13-5, trong khi đó, SEA Games 32 diễn ra tại Campuchia từ ngày 5 đến 16-5. Như thế, thời gian tổ chức hai sự kiện thể thao này gần như trùng nhau. Cũng vì vậy, Ban huấn luyện buộc phải chọn nhân sự tốt nhất để ưu tiên cho Giải vô địch cử tạ châu Á; những VĐV khác, đang có phong độ phù hợp với đấu trường SEA Games đã được đăng ký để bảo đảm mục tiêu giành từ 1 - 2 HCV. Trong số này, sẽ có một số đô cử trẻ được lần đầu dự SEA Games 32 để chuẩn bị cho các mục tiêu lâu dài. Đây là sự lựa chọn bắt buộc, phù hợp với định hướng chung của ngành Thể thao. Nhìn rộng ra, nhiều quốc gia Đông Nam Á khác cũng đưa ra lựa chọn tương tự, như nhà vô địch Olympic 2020, vô địch SEA Games 31 Hidilyn Diaz (Philippines) đã tuyên bố không dự SEA Games 32 để tập trung cho Giải vô địch châu Á ở Hàn Quốc.
Theo HLV trưởng đội tuyển cử tạ Việt Nam Lưu Văn Thắng, việc chia đôi lực lượng để tham dự SEA Games 32 cũng như Giải vô địch cử tạ châu Á 2023 thực sự là bất đắc dĩ. Tuy nhiên, Ban huấn luyện đã cố gắng lựa chọn nhân sự phù hợp với từng mục tiêu.
Sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ
Hiện tại, đội tuyển cử tạ Việt Nam đang tập huấn tại Nam Ninh (Trung Quốc) để hoàn tất khâu cuối của chu kỳ huấn luyện trước khi bước vào SEA Games 32 cũng như Giải vô địch cử tạ châu Á 2023. Đây là chuyến tập huấn quốc tế đầu tiên của đội tuyển trong hơn 3 năm qua, được xem là cực kỳ cần thiết để các tuyển thủ hoàn toàn tập trung tập luyện.
Trước ngày đội lên đường đi tập huấn, đô cử Trịnh Văn Vinh, Á quân ASIAD 2018, kể rằng, Giải vô địch châu Á là sân chơi đầy khó khăn khi hạng 61kg mà anh đăng ký hội tụ hầu hết đô cử mạnh nhất thế giới. Trong bối cảnh đó, việc được tạo điều kiện đi tập huấn ở nước ngoài giúp anh và các đồng đội có thêm cơ hội cọ xát, chuẩn bị tốt hơn cho giải đấu sắp tới. Còn nhà vô địch SEA Games 31 Lại Gia Thành khẳng định đã sẵn sàng cho mục tiêu SEA Games sắp tới. Thực tế, cơ hội giành HCV ở SEA Games không đơn giản như dự báo, nên tất cả cần phải tập trung tập luyện. Trong thời gian qua, chế độ dinh dưỡng cho các VĐV dự SEA Games 32 đã được nâng lên mức 480.000 đồng/ngày và đó là điều tốt.
Theo HLV Lưu Văn Thắng, với lịch thi đấu của hai sự kiện trên thì VĐV vẫn có thể dự cả hai giải đấu. Tuy nhiên, về khía cạnh chuyên môn thì thực sự bất khả thi vì VĐV không kịp hồi phục, dễ bị chấn thương. Trước mắt, các HLV luôn nhắc nhở VĐV phải chú ý trong việc sử dụng các loại thực phẩm chức năng, các loại thuốc để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc liên quan đến chất cấm trong tập luyện và thi đấu. Cử tạ Việt Nam từng có một số trường hợp gặp sự cố đáng tiếc như vậy nên các tuyển thủ phải rất cẩn trọng.
Cũng liên quan đến công tác chuẩn bị của đội tuyển cử tạ, theo các chuyên gia và HLV cử tạ, công tác tổ chức hồi phục sau tập luyện cho VĐV cần được đầu tư mạnh hơn, nhất là về đội ngũ bác sĩ, chuyên gia vật lý trị liệu. Nếu không làm tốt khâu này, sẽ khó đòi hỏi thành tích tốt nhất so với năng lực của VĐV dù họ luôn có tâm thế sẵn sàng cống hiến hết mình.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin