Buổi chiều thi đấu ngày 10/5, các võ sĩ Việt Nam đã mang về 2 tấm Huy chương Vàng ở môn võ cổ truyền của nước chủ nhà SEA Games 32, nâng tổng số Huy chương Vàng toàn đoàn của Việt Nam lên 45. Tính đến 15 giờ 50 phút, Việt Nam vẫn đứng thứ nhất bảng tổng sắp huy chương của SEA Games 32.
Huỳnh Hà Hữu Hiếu giành HCV môn Kun Khmer nội dung đối kháng, hạng cân 45kg. (Ảnh: TTXVN) |
Mở hàng Huy chương Vàng cho đội tuyển Kun Khmer của Việt Nam là vận động viên Huỳnh Hà Hữu Hiếu ở nội dung 45kg nữ. Hiếu đã sớm giành Huy chương Vàng do võ sĩ của Lào bị chấn thương bỏ cuộc nên trọng tài phân định phần thắng cho Hữu Hiếu.
Vận động viên Tạ Thị Kim Yến (quê Thái Nguyên) của đội tuyển Kun Khmer giành Huy chương Vàng nội dung đối kháng hạng 48 kg. (Ảnh: TTXVN) |
Tấm Huy chương Vàng thứ 2 của đội tuyển Kun Khmer Việt Nam thuộc về Tạ Thị Kim Yến (quê Thái Nguyên) ở nội dung 48kg khi cô đã xuất sắc giành chiến thắng trước vận động viên May Thazin Htoo của Myanmar.
Vận động viên Tạ Thị Kim Yến (giáp đỏ) và vận động viên May Thazin Htoo (giáp xanh, Myanmar) thi đấu chung kết nội dung đối kháng 48kg. (Ảnh: TTXVN) |
Trước đó, ở hạng cân 45kg nam, võ sĩ Võ Nhuận Phong đã có bàn thua sít sao 9-10 trước võ sĩ Theara Mab của đội chủ nhà, theo đó anh giành Huy chương Bạc.
Ở hạng cân 48kg nam, võ sĩ Dương Đức Bảo cũng để thua tiếc nuối trước võ sĩ Piseth Punh nước chủ nhà. Đức Bảo giành Huy chương Bạc tiếp theo cho Kun Khmer Việt Nam.
Kun Khmer còn có tên gọi là Pradal Serey, là môn võ thuật có nguồn gốc từ Campuchia. Theo tiếng Campuchia, Kun là võ, Khmer có nghĩa là người Khmer - vì vậy tên gọi Kun Khmer hiểu đơn giản là "võ thuật của người Khmer", một cách gọi tương tự với Muay Thái của Thái Lan, Muay Lào của Lào.
Kun Khmer bắt nguồn từ Đế quốc Khmer vào năm 802 sau Công nguyên và được sử dụng trong quân đội. Các hình thức sơ khai của Kun Khmer trong quân đội và chiến tranh đã được ghi chép qua những bức phù điêu, khắc đá tại các ngôi đền cổ Bayon, Banteay Chhmar và Angkor - tuy nhiên sau này phần lớn bị phá hủy.
Kun Khmer sở hữu hệ thống kỹ thuật sử dụng các đòn đấm - đá - chỏ - gối và ôm ghì (clinch) để tấn công, quật ngã đối thủ. Đặc biệt, các võ sĩ Kun Khmer được biết tới nhờ khả năng áp dụng các đòn tay và cùi chỏ nhiều hơn những môn võ tương đồng trong khu vực như Muay (Thái Lan, Lào), Leth Wei (Myanmar).
Trước khi được hiện đại hóa, các võ sĩ Kun Khmer thi đấu trong các hố/bãi đất trống sau mỗi mùa thu hoạch tại các lễ hội, đền chùa, tuyển chọn cho quân đội hay biểu diễn trước hoàng gia. Võ sĩ thi đấu với tay trần, dây thừng quấn tay hoặc thậm chí sử dụng vỏ sò bọc khớp ngón tay để tay sát thương.
Sau khi thực dân Pháp xâm lược Campuchia cuối thế kỉ 19, môn võ này dần được thể thao hóa theo quyền anh phương Tây với găng thi đấu, võ đài dây và các hiệp đấu tính giờ (3 hiệp 5 phút).
Hiện tại, Kun Khmer do Liên đoàn Quyền anh Campuchia (Cambodia Boxing Federation (CBF)) được thành lập năm 1961 quản lý. Các võ sĩ, trọng tài, giải đấu đều phải có giấy phép của CBF để tham gia mọi hoạt động.
Ngoài lãnh thổ Campuchia, Kun Khmer đã thành lập được một số liên đoàn tại các quốc gia như Pháp, Đức, Australia, Tây Ban Nha, Italia. Các hoạt động nằm trong chương trình bảo tồn và phát triển môn võ Kun Khmer, hướng tới đưa vào chương trình thi đấu các đại hội thể thao quốc tế và hệ thống thi đấu chuyên nghiệp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin