Nhìn lại năm 2023:
Thể thao Việt Nam cần hướng tới mục tiêu châu lục và thế giới

Theo Báo Nhân dân 08:59, 03/01/2024

Năm 2023, thể thao Việt Nam dẫn đầu bảng xếp hạng huy chương tại Ðại hội thể thao Ðông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32), nhưng chỉ giành ba Huy chương vàng (HCV) tại Ðại hội thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19). Ðiều này cho thấy định hướng đào tạo của ngành thể thao vẫn tập trung hầu hết nguồn lực cho các đấu trường trong khu vực chứ chưa dồn lực cho những đấu trường lớn hơn ở tầm châu lục và thế giới. 

Ðội tuyển bóng đá nữ Việt Nam lập kỳ tích tám lần đoạt Huy chương vàng SEA Games, trong đó có bốn kỳ liên tiếp. (Ảnh TUẤN HỮU)
Ðội tuyển bóng đá nữ Việt Nam lập kỳ tích tám lần đoạt Huy chương vàng SEA Games, trong đó có bốn kỳ liên tiếp. (Ảnh TUẤN HỮU)

Thành tích nổi bật của thể thao Việt Nam năm 2023 là đứng đầu bảng xếp hạng huy chương tại SEA Games 32 do Campuchia đăng cai tổ chức. Ðây là lần đầu Việt Nam giành ngôi đầu khi không phải nước chủ nhà đăng cai tổ chức đại hội. Như vậy, đã hai kỳ SEA Games liên tiếp, thể thao Việt Nam đều giành vị trí số một trên bảng xếp hạng huy chương.

Điểm sáng trên tổng thể mờ nhạt

Những năm gần đây, nhất là tại SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam, thể thao nước ta đã và đang chuyển đổi, hướng trọng tâm đầu tư vào các môn Olympic, ASIAD. Cũng vì vậy, trong năm qua, Ðoàn thể thao Việt Nam tiếp tục giành vị trí số một toàn đoàn tại SEA Games 32.

Trong 136 HCV của các vận động viên (VÐV) nước ta đoạt được, có 69 HCV thuộc về các nội dung thi đấu Olympic, chiếm hơn 50% số HCV, đồng thời phá 14 kỷ lục đại hội, song chỉ có sáu kỷ lục ở nội dung thi đấu Olympic. Có thể nói, đây là kỳ SEA Games được đánh giá là thành công nhất của thể thao Việt Nam khi thi đấu ở nước ngoài.

Nối tiếp đấu trường khu vực Ðông Nam Á, Ðoàn thể thao Việt Nam bước vào đấu trường đỉnh cao châu lục tại ASIAD 19 với thành tích giành được 3 HCV, 5 Huy chương bạc (HCB), và 19 Huy chương đồng (HCÐ), đứng thứ 21 trên bảng xếp hạng huy chương của Á vận hội. Tiêu biểu là tấm HCV môn bắn súng của xạ thủ Phạm Quang Huy ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam.

Lần đầu tranh tài tại ASIAD, xạ thủ người Hải Phòng đã thi đấu xuất sắc, lần lượt vượt qua những xạ thủ rất mạnh để mang về HCV đầu tiên của bắn súng Việt Nam tại đại hội thể thao châu lục. Tuy nhiên, nếu nhìn vào ba HCV mà thể thao Việt Nam giành được, chỉ nội dung bắn súng của Phạm Quang Huy là có trong chương trình thi đấu Olympic; hai HCV ở cầu mây nội dung 4 nữ và biểu diễn quyền 3 nữ môn karatedo không có nhiều sự cạnh tranh thật sự, cho nên chưa thật thuyết phục.

Nhìn vào thành tích của Ðoàn thể thao Việt Nam qua hai đại hội thể thao của khu vực và châu lục có thể thấy, mặc dù chúng ta dẫn đầu ở hai kỳ SEA Games liên tiếp vừa qua với số HCV áp đảo, nhưng chỉ xếp thứ 21 ở ASIAD 19 và xếp sau các nước trong khu vực Ðông Nam Á: Thái Lan (12 HCV, hạng 8 ASIAD), Indonesia (7 HCV, hạng 13), Malaysia (6 HCV, hạng 14), Philippines (4 HCV, hạng 17), Singapore (3 HCV, 6 HCB, hạng 20).

Kết quả này cho thấy thể thao Việt Nam vẫn chưa có sự tập trung cho các môn thi đấu cơ bản của ASIAD và Olympic. Ngay như môn bóng đá nam, ở cấp độ đội tuyển quốc gia và đội tuyển U 22/23 cũng đang có sự chững lại ở các giải đấu sau 5 năm đạt nhiều thành tích dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo, đặc biệt là chúng ta không thể bảo vệ được HCV tại SEA Games 32 vừa qua.

Nhìn rộng hơn, trong khoảng thời gian trong 10 năm đến nay, thể thao Việt Nam đang có những bước lùi đáng kể. Trước đây, tại Olympic London năm 2012, Việt Nam có 18 VÐV giành suất tham dự và giành được một HCÐ ở môn cử tạ. Bốn năm sau, đến Olympic Rio năm 2016, chúng ta có 23 VÐV tham dự và giành được một HCV và một HCB môn bắn súng - thành tích cao nhất trong một kỳ Olympic.

Tuy nhiên, tại kỳ Olympic 2020 ở Tokyo, thể thao nước ta chỉ có 18 VÐV vượt qua vòng loại và không giành được huy chương nào. Tại Olympic 2024 sắp tới, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chỉ có vài VÐV đạt chuẩn tham dự, nhưng những cái tên như Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Trịnh Thu Vinh (bắn súng) và Nguyễn Huy Hoàng (bơi)... đều không có hy vọng giành huy chương.

Ở đấu trường châu lục, cách đây 5 năm, tại ASIAD 18, thể thao nước ta từng giành 4 HCV, 16 HCB và 18 HCÐ; sau đó bổ sung HCV 400m vượt rào nữ của Quách Thị Lan được đôn lên do VÐV đoạt HCV bị dính doping. Tại ASIAD 19 ở Trung Quốc năm nay, Việt Nam chỉ giành ba HCV, song chỉ có một HCV ở nội dung Olympic là môn bắn súng.

Ðánh giá kỹ hơn, ngay cả ở cấp độ khu vực, hai kỳ SEA Games gần nhất, thể thao Việt Nam đều dẫn đầu về số huy chương và thành tích nổi trội đó có được cũng phụ thuộc vào số HCV ở các nội dung không nằm trong chương trình thi đấu Olympic như các môn: Lặn, vovinam, pencak silat, billiards... và cả những môn chỉ phát triển ở Ðông Nam Á như kun bukator, kun khmer, võ gậy...

Tập trung vào mục tiêu nâng tầm

Theo các chuyên gia thể thao, ngành thể thao Việt Nam đang tồn tại nhiều hạn chế và rào cản phát triển ở chỗ chúng ta vẫn chủ yếu hướng tới đấu trường SEA Games.

Ông Hoàng Quốc Vinh, Trưởng phòng Thể thao thành tích cao 1 của Cục Thể dục-Thể thao cho biết: Hạn chế đầu tiên là lực lượng VÐV trẻ tài năng không nhiều mà nguyên nhân chính là do thiếu kinh phí. Hiện cả nước có khoảng 960 VÐV đang tập trung tại các đội tuyển trẻ quốc gia. Nhiều môn thể thao mũi nhọn có số lượng VÐV trẻ cũng rất hạn chế. Cụ thể, như môn thể dục dụng cụ, hiện chỉ có năm đơn vị đào tạo VÐV chuyên nghiệp; trong khi đội tuyển trẻ thể dục dụng cụ Việt Nam chỉ có 26 VÐV tập huấn tại Hà Nội và Cần Thơ. Môn bắn súng cũng chỉ có 26 VÐV trẻ đang tập huấn tại Bắc Ninh và Ðà Nẵng. Việc hạn chế về số lượng đào tạo VÐV trẻ đã ảnh hưởng đến khả năng tìm kiếm và phát triển các tài năng thể thao trong tương lai. Thực tế, việc tìm kiếm các tài năng trẻ cho thể thao đang gặp rất nhiều khó khăn vì hầu hết các bậc cha mẹ không muốn cho con theo đuổi thể thao chuyên nghiệp vì vất vả, thu nhập thấp. Thực tế đã cho thấy điều đó qua những khó khăn của không ít VÐV và huấn luyện viên chuyên nghiệp hiện tại.

Theo Cục trưởng Thể dục-Thể thao Ðặng Hà Việt, để có được những VÐV trẻ tài năng thì phải đào tạo ngay từ bậc tiểu học, các em cần được hướng dẫn chơi cùng lúc năm môn thể thao, thành thạo ba môn thể thao mà điều này thể thao học đường hiện chưa thể đáp ứng. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến thể thao nước ta khó nâng cao thành tích là nguồn huấn luyện viên trong nước đạt trình độ đào tạo được VÐV có huy chương tại Olympic và ASIAD có rất ít. Như ở môn cử tạ, từ chỗ thuê chuyên gia nước ngoài kết hợp huấn luyện viên trong nước để có được tấm HCB quý giá của Hoàng Anh Tuấn tại Olympic 2008, sau đó việc chỉ dùng các huấn luyện viên trong nước được coi là một lý do khiến cử tạ Việt Nam chưa thể tái lập thành tích này.

Hiện nay, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ việc tập luyện của thể thao nước ta cũng vừa thiếu, vừa lạc hậu, cụ thể Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (HLTTQG) Hà Nội đáp ứng được 50%, Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đáp ứng được 30%, Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Ðà Nẵng và ở Cần Thơ còn thiếu một số hạng mục cơ bản như bể bơi, sân đá bóng, đường chạy tiêu chuẩn.

Trong đào tạo thể thao thành tích cao, việc áp dụng khoa học-công nghệ cao; dinh dưỡng thể thao, bao gồm cả thực phẩm và thuốc bổ cũng như các điều kiện chăm sóc sức khỏe, hồi phục, chữa trị chấn thương, tâm lý thể thao... còn rất nhiều hạn chế. Một trong những yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích của VÐV là chế độ dinh dưỡng hằng ngày vẫn chưa làm tốt. Dù chế độ ăn đã được điều chỉnh, song các VÐV khi tập huấn đội tuyển quốc gia bắt buộc ăn tập trung tại các bếp ăn "chỉ định" dẫn tới sự nhàm chán về bữa ăn, thậm chí bị cắt bớt khẩu phần như vụ lùm xùm của đội tuyển bóng bàn trẻ khi tập huấn tại Trung tâm thể thao Hà Nội vừa qua.

Với nguồn kinh phí eo hẹp, việc tập huấn dài hạn ở nước ngoài và thi đấu quốc tế, nhất là tại các nước mạnh về thể thao thành tích cao là rất khó khăn. Như VÐV bóng bàn số 1 Việt Nam hiện nay là Nguyễn Anh Tú, dù được hỗ trợ kinh phí từ cả Cục Thể dục-Thể thao, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam cùng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội mà mỗi năm cũng chỉ được tham dự một vài giải đấu quốc tế, ít được đi tập huấn quốc tế. Chính vì thế, cho dù được đánh giá là tài năng bóng bàn nổi trội trong lịch sử bóng bàn Việt Nam, song hầu như anh không có khả năng giành HCV ở ngay đấu trường SEA Games vì đối thủ Quek Izaac (hạng 17 thế giới) được Singapore đầu tư rất tốt trong nhiều năm qua đã vượt trội về mọi mặt.

VÐV nước ta cũng có rất ít cơ hội thi đấu tầm quốc tế ở trong nước bởi quá ít các giải đấu uy tín được tổ chức tại Việt Nam. Cũng do thiếu kinh phí, chúng ta hiện không thể thuê được những chuyên gia giỏi, hàng đầu châu lục và thế giới. Theo tính toán sơ bộ, mức lương để thuê chuyên gia giỏi hiện này ít nhất cũng vào khoảng 8.000 USD/tháng, nhưng thể thao Việt Nam chỉ có kinh phí để trả lương cho chuyên gia từ 3.000 USD đến 4.000 USD/tháng. Cụ thể, trong năm 2023, Cục Thể dục-Thể thao chỉ được chi khoảng hơn 36 tỷ đồng dành cho chuyên gia nước ngoài trong khoản chi chung cho thể thao thành tích cao là hơn 710 tỷ đồng.

Sau những cố gắng duy trì thành tích hàng đầu khu vực, rõ ràng thể thao Việt Nam cần tập trung đầu tư nâng cao năng lực và khả năng đoạt huy chương tại ASIAD và Olympic. Ðể triển khai thực hiện hiệu quả theo định hướng này, cần huy động cao nhất mọi nguồn lực cho những nhóm môn thể thao có khả năng cạnh tranh huy chương như cử tạ (các hạng cân nhẹ), bắn súng (một số nội dung thế mạnh), taekwondo (nội dung có VÐV mạnh)... để đầu tư ở cấp độ đội tuyển quốc gia.

Việc đầu tư cho VÐV trẻ cũng cần ưu tiên tốt nhất cho các nội dung có khả năng tranh huy chương ASIAD và Olympic, sau đó mới đến các môn còn lại. Ðồng thời, chúng ta cần cải tổ mạnh mẽ hệ thống đào tạo thể thao đỉnh cao, tập trung cho mục tiêu ASIAD và Olympic chứ không nên dàn đều cho quá nhiều VÐV, quá nhiều môn thể thao như hiện nay. Trong điều kiện kinh phí cho thể thao hạn hẹp, có lẽ cũng không cần thiết tập trung cả nghìn VÐV đội tuyển quốc gia hằng năm, kể cả ở những môn không nằm trong hệ thống thi đấu cơ bản của ASIAD và Olympic chỉ để nhắm tới ngôi đầu SEA Games.