Năm 2023, thể thao thành tích cao và thể thao phong trào của tỉnh giành được nhiều kết quả vượt trội. Nhưng, làm nức lòng người hâm mộ thể thao Thái Nguyên phải kể đến những “chiến binh” ngồi xe lăn. Họ đã ra quân, vào trận là có huy chương. Dù bị khuyết tật nhưng họ đã nỗ lực vượt lên chính mình để có đóng góp quan trọng trong việc đưa thể thao “đất Thép” vươn lên xứng tầm.
Cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn đồng hành với các vận động viên người khuyết tật. |
Ông Tạ Đình Chiến, Trưởng Phòng Quản lý thể dục thể thao (TDTT), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Năm 2023 Thái Nguyên tổ chức cho các vận động viên (VĐV) người khuyết tật tham gia 3 giải thi đấu quốc gia, với khoảng 20 lượt VĐV dự giải. Các VĐV đã nỗ lực thi đấu, giành tổng số 29 huy chương các loại, trong đó có 8 Huy chương Vàng, 7 Huy chương Bạc, 14 Huy chương Đồng và nhiều phần thưởng có giá trị khác.
Sau mùa giải, các VĐV khuyết tật lại trở về với công việc mưu sinh đời thường. Người làm nông nghiệp, người tham gia thương trường, ai nấy tự xoay sở để ổn định cuộc sống kinh tế gia đình. Do các VĐV bị khuyết tật hệ vận động, chủ yếu là chi dưới nên phải dùng xe lăn thay đôi chân. Việc di chuyển khó khăn, công việc chăm lo cho đời sống kinh tế gia đình càng cực nhọc, nhưng niềm đam mê thể thao khiến các chị không ngồi yên, ngày nào cũng tranh thủ tập luyện để sẵn sàng nhận “lệnh triệu tập” là “mang chuông đi gõ xứ người”.
Chị Dương Thị Hòa Huệ (TP. Thái Nguyên) chia sẻ: Mỗi ngày tôi đều tranh thủ tập luyện. Tôi tập với những người có đủ chân, tay lành lặn. Họ giúp tôi và các bạn đồng cảnh như mình sống hòa nhập với cộng đồng. Tôi tham gia thi đấu chủ yếu 2 môn: Cầu lông và quần vợt xe lăn...
Qua câu chuyện, chúng tôi được biết thêm, trong làng thể thao dành cho người khuyết tật Thái Nguyên, chị Huệ là một VĐV có thâm niên thi đấu liên tục gần 7 năm nay, với tổng thành tích đáng nể: 19 huy chương các loại, trong đó 12 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng. Ngoài thành tích thi đấu, chị Huệ đã 7 lần tham gia hiến máu tình nguyện.
Cũng như chị Huệ, các nữ “chiến binh” ngồi xe lăn là: Nguyễn Tú Anh; Nguyện Thị Kim Oanh và Hoàng Thị Hoa, cùng ở TP. Thái Nguyên; Ngô Thị Thuận ở huyện Phú Bình đang tranh thủ tập luyện những môn thể thao phù hợp với thể trạng sức khỏe, chủ yếu là các bộ môn cầu lông và quần vợt xe lăn.
Không phải dân thể thao chuyện nghiệp, song đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thi đấu, các nữ “chiến binh” kiên trì tập luyện, tham gia thi đấu hiệu quả, gặt hái được thành tích cao ở hầu hết các nội dung như đơn nữ, đôi nữ hoặc đôi nam - nữ.
Hỏi về thành tích đạt được, các nữ “chiến binh” xe lăn khiêm tốn: Chúng tôi đã lên đường là có huy chương mang về. Nhưng huy chương không phải là điều quan trọng nhất với chúng tôi. Vì mục đích chúng tôi hướng đến là truyền cảm hứng sống vui, sống khỏe, sống có ích cho mọi người trong cộng đồng xã hội, nhất là với những người bị thiếu khuyết một phần thân thể như chúng tôi.
Như để đỡ lời cho các nữ “chiến binh” xe lăn, anh Nguyễn Xuân Phúc, giáo viên Trường Phổ thông Năng khiếu TDTT tỉnh, người có duyên với bộ môn thể thao dành cho người khuyết tật vì thường được lãnh đạo đơn vị cử dẫn đoàn lên đường tham gia thi đấu, cho biết: Chúng tôi đang vận động các anh, chị em khuyết tật có tố chất thể thao, cố gắng đầu tư cho việc tập luyện. Đồng thời làm hạt nhân phong trào thể thao, giúp Ngành phát hiện thêm nhân tố mới để triệu tập, tổ chức bồi dưỡng kỹ thuật, chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm thi đấu và thành lập đoàn lên đường tham dự Giải quần vợt xe lăn toàn quốc vào tháng 6 tới. Thái Nguyên sẽ tham gia 5 nội dung thi đấu, riêng các nữ “chiến binh” dự kiến tham gia thi đấu ở nội dung đôi nữ, đơn nữ và đôi nam nữ.
Được biết, những mùa giải tới Thái Nguyên sẽ có thêm những gương mặt nữ “chiến binh” mới, trẻ trung, hồn nhiên và biết giấu đi từng cơn đau thể xác để kiên nhẫn tập luyện, hướng đến ánh huy chương vì màu cờ sắc áo của thể thao “đất Thép, xứ Trà”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin