Trận đấu giữa Chelsea và Man City tối nay đương nhiên luôn hấp dẫn. Nhưng nó còn thú vị hơn gấp bội khi đó là cuộc đấu trí của Thomas Tuchel và Pep Guardiola, hai bộ óc thiên tài trong bóng đá.
Tối nay, 25/9, ở Stamford Bridge là lần thứ chín Thomas Tuchel chạm trán Pep Guardiola. Ban đầu khi cả hai cùng cầm quân ở Đức, đây là cuộc chiến một chiều. Pep hoàn toàn áp đảo với 4 chiến thắng, 1 trận hòa. Nhưng kể từ thời điểm Tuchel chuyển đến Anh, cuộc chơi đảo ngược. Tuchel đã thắng cả 3 trận, bao gồm chung kết Champions League 2020/21 ở Porto.
Nếu đi sâu vào quá trình có thể nhận thấy sự tiến bộ của Tuchel. Sau 3 trận đầu thua 1-4, 0-2, 1-5, chiến lược gia người Đức dần tìm ra manh mối trong việc khắc chế Pep với kết quả hòa 0-0 ở lần đối đầu thứ tư và thứ năm (lần này thua ở loạt luân lưu). Đến khi dẫn dắt Chelsea với chất lượng nhân sự tốt hơn hẳn Maiz và Dortmund, ông bắt đầu tận hưởng chiến quả.
Phải nói rằng Tuchel quá hiểu Pep. Và Pep cũng biết Tuchel biết quá rõ về mình. Đây chính là mấu chốt của vấn đề. Trong khi Tuchel tập trung kiện toàn đội ngũ và lối chơi, phát huy những thế mạnh mà ông có thì Pep lại nghĩ quá nhiều, cố gắng tạo ra sự khác biệt so với những lần đối đầu trước. Như đã thấy, phần lớn đều phản tác dụng.
Trận chung kết ở Porto, Pep thực hiện kế hoạch táo bạo khi không có một tiền vệ phòng ngự đúng nghĩa. Ông muốn chiếm ưu thế trong kiểm soát bóng, gây áp lực cao bên phần sân Chelsea và sớm có bàn thắng để khống chế trận đấu.
Ý đồ này bị phá sản trước một Chelsea phòng ngự quá tốt, đồng thời thao túng hàng tiền vệ trước khi thực hiện các đợt phản công sắc bén. Về phần Man City, hệ thống mới mẻ khiến các cầu thủ bối rối, mất thế trận và suy giảm chất lượng tấn công.
Nhiều người sẽ thắc mắc, tại sao Tuchel và Pep biết nhiều về nhau đến vậy? Tất cả bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ ở quán bar Schumann nổi tiếng nhất Munich. Michael Reschke, Giám đốc thể thao của Bayern có hẹn với Tuchel, người đang tìm công việc mới sau khi rời Mainz năm 2014. Ông này rủ Pep theo. Pep lập tức đồng ý vì ấn tượng với đồng nghiệp trẻ luôn có kế hoạch rõ ràng và muốn thắng mỗi lần đối đầu với Bayern.
Theo những gì Reschke thuật lại với The Athletic, thoạt đầu Tuchel giống như một người học việc đặt ra rất nhiều câu hỏi và mong đợi những câu trả lời sâu sắc từ Pep. Nhưng sau đó, cả hai tạo nên cuộc tranh luân bình đẳng về mọi vấn đề trong bóng đá.
Cần biết rằng Tuchel rất ngưỡng mộ Pep và từng bay đến Barcelona để nghiên cứu phương pháp của Pep. Vì vậy ông có thể cùng Pep mổ xẻ chi tiết những tình huống diễn ra từ nhiều năm trước. Trong 4 giờ đồng hồ họ trao đổi say sưa, thậm chí dùng cả lọ tiêu và ly rượu để mô tả các ý tưởng chiến thuật.
Sau hôm ấy Pep và Tuchel còn gặp nhau lần nữa ở nhà hàng Brenner cũng tại Munich. Không khó đoán cả hai đã bàn luận về chủ đề gì trong bữa ăn, cũng như mức độ căng thẳng của cuộc thảo luận và sự tôn trọng họ dành cho nhau. Khi rời Bayern, Pep đã thúc giục Reschke chọn Tuchel là người kế nhiệm.
Vì vậy dễ dàng hình dung những ý nghĩ chạy trong đầu Pep khi đối đầu Tuchel. Liệu ông đã từng đề cập với Tuchel vấn đề này, vấn đề kia chưa? Nếu Tuchel đã biết rõ như vậy, làm thế nào để đi trước một bước, hoặc cần làm gì để tốt hơn? Cuối cùng, một kế hoạch khác thường - như bỏ đi tiền vệ phòng ngự, đẩy De Bruyne lên chơi “số 9 ảo” ở chung kết Champions League - được giới thiệu.
Liệu ở lần chạm trán thứ chín này Pep có còn suy nghĩ theo hướng đó? Và một phát kiến gây ngạc nhiên khác sẽ được HLV người Tây Ban Nha đưa ra? Hoặc Tuchel mới là người tạo nên những thay đổi chứ không phải Pep?
Rất khó để đưa ra câu trả lời. Bạn biết đấy, Pep và Tuchel là hai bộ óc thiên tài, hoặc như hai kiện tướng cờ vua. Rất khó để đoán họ đang suy tính điều gì.