Chương trình chống phân biệt chủng tộc của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) diễn ra từ tháng 7, khởi đầu với Euro nữ 2022.
Theo hãng tin tức Reuters, 3 cầu thủ tuyển bóng đá quốc gia Anh, gồm Marcus Rashford, Jadon Sancho và Bukayo Saka, là những trường hợp bị phân biệt chủng tộc chỉ vì đá hỏng luân lưu ở trận chung kết Euro 2020 với Italia.
Báo cáo tháng 6 của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) cũng cho thấy, hơn nửa số cầu thủ từng góp mặt tại Euro 2020 và Cúp bóng đá châu Phi (AFCON) 2021 từng là nạn nhân của tình trạng phân biệt đối xử trực tuyến.
Cũng theo báo cáo kể trên, phần lớn hơn 400.000 bài đăng trên các nền tảng mạng xã hội trong thời gian diễn ra các trận bán kết và chung kết của hai giải đấu đều chứa những nội dung mang tính kỳ thị và phân biệt chủng tộc.
Để tăng cường bảo vệ các cầu thủ, ngày 3-7 (giờ địa phương), UEFA tuyên bố phối hợp với các công ty truyền thông xã hội nhằm nâng cao nhận thức về vấn nạn phân biệt chủng tộc. Cơ quan quản lý bóng đá châu Âu đề nghị các công ty này gỡ bỏ những nội dung trực tuyến độc hại khỏi mọi nền tảng.
UEFA cũng xác nhận, chương trình sẽ kéo dài 3 năm và khởi đầu với Euro nữ 2022 diễn ra từ ngày 6 đến 31 cùng tháng. Theo kế hoạch, chương trình này sẽ "tích cực theo dõi, báo cáo và giải quyết" những vụ việc mang tính phân biệt chủng tộc trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Twitter, Instagram, Facebook và TikTok.
Chương trình của UEFA còn bao gồm chiến dịch "Real Scars" với sự tham gia của các cầu thủ Wendie Renard, Jorginho và Alisha Lehmann. Chiến dịch này sẽ hướng đến mục tiêu làm rõ những tác động của tình trạng lạm dụng trực tuyến và hướng dẫn những biện pháp tự bảo vệ dành cho các nạn nhân.