Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ cuối tháng 4-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được COVID-19. Điều này đồng nghĩa với rất nhiều hoạt động, trong đó có thể thao sẽ từng bước bình thường trở lại sau “kỳ nghỉ” kéo dài chưa từng có trong tiền lệ.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2020, thể thao Việt Nam dự kiến tham dự 113 giải đấu, sự kiện quốc tế. Ở trong nước sẽ có 71 giải đấu thể thao thành tích cao; 19 đội tuyển lên chương trình tập huấn nước ngoài. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát khiến hầu hết các hoạt động phải tạm dừng từ sau Tết Nguyên đán tới nay.
Khi dịch cơ bản được kiềm chế và đẩy lùi, các bộ môn thể thao cũng sẵn sàng trở lại. Trong số các môn thể thao, được mong chờ nhất chắc chắn là bóng đá. Theo thông báo mới nhất từ VPF, các giải đấu dự kiến quay trở lại sớm nhất vào ngày 20-5, bắt đầu bằng vòng loại Cúp Quốc gia, còn vòng 3 V.League dự kiến thi đấu vào ngày 31-5.
Theo lịch như vậy thì toàn bộ các giải đấu sẽ chỉ có hơn 5 tháng để khép lại 24 trận ở V.League, Cup Quốc gia và hạng Nhất. Đây là bài toán thực sự nan giải vì nếu tổ chức 2 lượt đi về thì khả năng không đủ thời gian và các đội cũng sẽ không có quãng nghỉ. Ngoài ra, nếu AFC Cup thi đấu trở lại, CLB T.P Hồ Chí Minh và Than Quảng Ninh sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi lịch gần như chật kín. Chưa kể, nếu Liên đoàn Bóng đã thế giới (FIFA) sắp xếp lịch thi đấu vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á trong khoảng thời gian này thì khó sẽ càng thêm khó. Dù cập rập thời gian nhưng các đội bóng lẫn nhà tổ chức đều nóng lòng trở lại dù chấp nhận có thể phải thi đấu trên sân không có khán giả.
Dù quãng nghỉ quá dài, nhưng các CLB đều có tâm thế chủ động luyện tập, mau chóng bắt đầu guồng quay mới vì không ai muốn bị bỏ lại phía sau ở lần “xuất phát lại” này. Ngoài B.Bình Dương, những CLB như SHB Đà Nẵng, Thanh Hoá, Hoàng Anh Gia Lai (V-League) hay Phố Hiến, Bình Định (hạng Nhất) vẫn tập luyện ở các trại tập trung khép kín. T.P Hồ Chí Minh và Hà Nội FC dù tập trung muộn nhưng đều lập tức bắt tay ngay vào tập luyện. Quãng thời gian chưa tới 1 tháng chuẩn bị có thể không đủ để các cầu thủ lấy lại cảm giác tốt nhất, nhưng khó có sự lựa chọn nào để hài lòng tất cả.
Với những bộ môn thể thao khác, các vận động viên cũng tích cực chuẩn bị để tham gia các giải đấu. Theo lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao, nếu được phép tổ chức trở lại, ngành Thể thao sẽ lựa chọn những giải quan trọng nhất trong năm của bộ môn là giải vô địch quốc gia và vô địch trẻ quốc gia. Các giải còn lại có thể phải hủy bỏ hoặc gộp lại thi đấu chung. Không thể dồn toàn bộ kế hoạch của năm 2020 để tổ chức vào thời điểm cuối năm vì còn liên quan đến địa điểm thi đấu, kinh phí và cả việc luyện tập của vận động viên.
Dù thế nào đi chăng nữa, các hoạt động thể thao được tổ chức trở lại cũng là niềm động viên lớn cho bản thân vận động viên và thỏa lòng mong mỏi của người hâm mộ.