Không lơ là, chủ quan với bệnh dại

Vũ Công 07:57, 28/03/2024

Từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh dại do chó, mèo gây ra trên cả nước diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Trước thực trạng trên, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức về phòng, chống bệnh dại; đồng thời đẩy mạnh việc triển khai tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh dại cho đàn chó, mèo.

Các bộ thú y xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) đến từng hộ dân trong xã để tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo.
Các bộ thú y xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) đến từng hộ dân trong xã để tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo.

Thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 45 ổ bệnh dại trên động vật tại 22 tỉnh, thành phố; tăng 6 ca và tăng gấp đôi số tỉnh, thành phố có dịch so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, cả nước có 27 người tử vong và trên 100 nghìn người phải điều trị dự phòng bệnh dại, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.

 

Tại tỉnh Thái Nguyên, trong 2 tháng đầu năm xảy ra 1 trường hợp tử vong tại xã Dân Tiến (Võ Nhai) do bị mèo cắn từ tháng 10-2023 nhưng không đi tiêm phòng và 1.600 trường hợp phải điều trị dự phòng bệnh dại do chó, mèo cắn. Để phòng, chống bệnh dại, từ đầu tháng 3 đến nay, các địa phương trong tỉnh đã và đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền gắn với triển khai tiêm vắc-xin.

Để công tác phòng ngừa bệnh dại trên đàn chó, mèo đạt hiệu quả cao, từ ngày 19-3 đến nay, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) đã thành lập Tổ thú y cơ sở đến từng hộ dân để tiêm vắc-xin. Qua 10 ngày triển khai, toàn xã đã tiêm được trên 50% so với chỉ tiêu của huyện giao là 1.100 con chó, mèo.

Ông Nguyễn Văn Thân, xóm Ngòi Chẹo, cho hay: Gia đình tôi nuôi một con chó để giữ nhà, năm nào cũng vậy, được chính quyền địa phương và cán bộ thú y đến tuyên truyền, tiêm vắc-xin phòng bệnh, chống bệnh dại, tôi đều chấp hành nghiêm chỉnh. Nếu không tiêm mà lỡ chó mắc bệnh dại thì không chỉ gây nguy hiểm cho các thành viên trong gia đình mà còn cho cả bà con xung quanh.

Ông Đỗ Ngọc Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hòa, cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã về tính chất nguy hiểm, các biện pháp phòng, chống bệnh dại tới người dân. Cùng với đó, xã thành lập các đoàn trực tiếp xuống từng xóm, hộ dân để tuyên truyền, hướng dẫn bà con chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong việc nuôi, nhốt chó mèo. Qua đó, người dân trên địa bàn xã cũng đã thay đổi nhận thức và đều chấp hành tốt các quy định về phòng chống bệnh dại, một số người không may bị chó, mèo cắn cũng đã chủ động đến các cơ sở y tế để tiêm phòng.

Theo thống kê, tổng đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 259.900 con. Chỉ tiêu kế hoạch giao tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh dại cho đàn chó, mèo năm 2024 trên địa bàn toàn tỉnh dự kiến khoảng 155.000 liều, được chia thành 2 đợt, trong đó đợt 1 từ tháng 3 đến tháng 4 và đợt 2 tiêm bổ sung từ tháng 9 đến tháng 10.

Trước tình hình bệnh dại diễn biến phức tạp, các huyện, thành phố trong tỉnh đã và đang tích cực đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin trên đàn chó, mèo.

Đến nay, TP. Phổ Yên và TP. Sông Công đã tổ chức tiêm xong theo kế hoạch, các địa phương còn lại đang tập trung lực lượng để phấn đấu tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo đợt 1 xong trong tháng 3.

Bà Đào Thị Kim Quy, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Thái Nguyên, thông tin: Dự kiến, trong 2 ngày, 30 và 31-3, chúng tổ sẽ tổ chức tiêm tập trung tại 110 điểm trên địa bàn các xã, phường của thành phố với số lượng vắc-xin khoảng 22.000 liều trong tổng số 27.000 liều được giao cả năm 2024. Để quá trình tiêm tập trung đạt hiệu quả và an toàn, chúng tôi đã tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng cho đội ngũ thú y và những người tham gia trực tiếp tiêm phòng. Cùng với đó, thành phố sẽ thành lập 2 đoàn đi kiểm tra tại các điểm tiêm. 

Để công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, bên cạnh giải pháp tiêm phòng vắc-xin, ngành chức năng và các địa phương cần có chế tài để xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành các quy định về công tác này. Bởi, qua thực tế, chúng tôi nhận thấy ở nhiều nơi người dân vẫn để chó chạy rông ra đường, khi đưa chó ra ngoài chưa thực hiện nghiêm việc đeo rọ mõm và có người dắt...