Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, ngành Giáo dục được giao chủ trì Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 5 về xóa mù chữ (XMC). Phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên về kết quả thực hiện nội dung này trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Lớp xóa mù chữ tổ chức tại bản Lũng Luông, xã Thượng Nung (Võ Nhai). |
PV: Xin đồng chí cho biết thực trạng công tác XMC trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Đồng chí Nguyễn Văn Hưng: Xác định XMC là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực, nhiều năm qua, các địa phương đã luôn quan tâm, chú trọng tới công tác phổ cập giáo dục, XMC. Mới đây, Bộ Chính trị có Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5/1/2024 về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, XMC cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Điều đó cho thấy nhiệm vụ của ngành và hệ thống chính trị không chỉ tập trung thực hiện XMC, mà còn chống tái mù chữ cho người dân.
Từ 5 năm trở lại đây, toàn tỉnh duy trì tỷ lệ trẻ đến 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,48%; tỷ lệ huy động người khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục đạt 99,13%; 100% số xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, nâng cao chất lượng và tỷ lệ các tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học; 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS từ mức độ 2 trở lên... Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, quy mô giáo dục ngày càng phát triển cả chiều sâu và bao phủ toàn diện. Chính vì vậy, đối tượng XMC ngày càng giảm và chủ yếu ở độ tuổi từ 35-60, tập trung ở các huyện: Đại Từ, Đồng Hỷ, Định Hoá, Phú Lương, Phú Bình và Võ Nhai. Toàn tỉnh có 177/177 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn XMC mức độ 2. Đến nay, Thái Nguyên chỉ còn 1.200 người trong độ tuổi từ 15-60 mù chữ mức độ 1 (chưa hoàn thành chương trình học lớp 3); số người mù chữ mức độ 2 (chưa hoàn thành chương trình học lớp 5) là 1.938 người.
PV: Việc tổ chức lớp học XMC cho các đối tượng hiện nay được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Văn Hưng: Với quan điểm đâu có dân cư thì ở đó có giáo dục, các lớp XMC được triển khai và thực hiện ở các khu dân cư, gắn với các trường tiểu học tại địa bàn. Hầu hết các lớp học được tổ chức vào buổi tối hoặc ngày cuối tuần. Cá biệt, có lớp được ngành Giáo dục phối hợp với Công an triển khai cho người mù chữ đang thi hành án tại trại giam. Còn đối với người học và địa điểm lớp học thì được địa phương, nơi có người học đứng ra tổ chức, quản lý... Hoạt động tổ chức lớp học chủ yếu tại các điểm nhà văn hoá và trên tinh thần tự giác, tự nguyện từ phía người học. Như vậy, các tổ chức chính trị, xã hội, trưởng thôn, xóm... có vai trò rất quan trọng trong việc vận động người học đến lớp và duy trì hoạt động học tập.
Qua kiểm tra, cập nhật sỹ số người học đến lớp trên các công cụ trực tuyến và trực tiếp cho thấy không có lớp học nào phải gián đoạn. Đến nay các địa phương đã và đang tổ chức được 23 lớp XMC với 374 người tham gia thường xuyên. Huyện vùng cao Võ Nhai tuy còn khó khăn, nhưng đã tổ chức được 16 lớp học với 315 học viên tham gia thường xuyên. Nhiều lớp học huy động được thêm cả những người đã học xong cấp tiểu học, nhưng do không thường xuyên viết, làm các phép toán... tự nguyện tham gia ôn luyện lại. Điều đó góp phần tích cực củng cố chất lượng XMC bền vững.
Học viên xóm Đồng Ươm, xã Dân Tiến (Võ Nhai) cõng theo con nhỏ đến lớp học chữ. |
PV: Hiện nay còn một số địa phương chưa tổ chức được lớp học XMC, vậy đồng chí cho biết kế hoạch tổ chức thực hiện như thế nào trong thời gian tới?
Đồng chí Nguyễn Văn Hưng: Chương trình XMC chủ yếu là người lớn, ở vùng sâu, vùng xa, đối tượng học lại ở phân tán; việc tổ chức lớp trên tinh thần vận động, chủ yếu do địa phương thực hiện, nên có những khó khăn nhất định. Trước mắt ngành Giáo dục chỉ đạo tổ chức lớp ngay tại các khu dân cư, nơi người học cư trú gần nhất, tiếp đến là tổ chức ghép lớp, hoặc bố trí giáo viên luân phiên đến khu vực người học có nhu cầu học để dạy học. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có các huyện Phú Lương, Phú Bình, Định Hóa chưa tổ chức được lớp, với hơn 1.000 người. Các địa phương này cũng đã có kế hoạch tổ chức lớp. Tuy nhiên, để triển khai rất cần sự hợp tác của người học và sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Đối với đội ngũ giáo viên hiện nay luôn trong tâm thế sẵn sàng đến các thôn bản để dạy học, kể cả các buổi tối. Với kết quả đã thực hiện được, chương trình XMC trên địa bàn tỉnh đã trở thành động lực để xóa đói, giảm nghèo bền vững cho vùng DTTS&MN.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin