Xác định bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là công tác quan trọng, thời gian qua, huyện Phú Bình triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, doanh nghiệp và người dân về vấn đề này.
Lực lượng chức năng kiểm tra về an toàn thực phẩm tại một cơ sở ở xã Xuân Phương, Phú Bình. |
Huyện Phú Bình hiện có hơn 1.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Để đảm bảo ATTP, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hàng năm, Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP của huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và chính quyền các xã, thị trấn tăng cường thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trọng tâm là sử dụng hệ thống loa truyền thanh ở xã, thị trấn, xóm, tổ dân phố.
Nội dung tuyên truyền chủ yếu chuyển tải thông điệp về bảo đảm ATTP; hướng dẫn cộng đồng lựa chọn và sử dụng thực phẩm đảm bảo chất lượng; vận động người dân nâng cao ý thức trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn; biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn… Trung bình mỗi tuần, chuyên mục vệ sinh ATTP được phát sóng 2 lần trên hệ thống phát thanh của huyện và 1 lần trên hệ thống truyền thanh cấp xã.
Cùng với đó, huyện cũng chỉ đạo tổ chức hội nghị tập huấn về ATTP cho các cơ quan, đơn vị, trường học có bếp ăn bán trú hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Trung bình mỗi năm, huyện tổ chức 1-2 buổi tập huấn. Ngoài ra, huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền trực quan thông qua căng treo băng zôn, khẩu hiệu tại dọc theo Quốc lộ 37 và nơi tập trung đông người, khu vực lễ hội và chợ trên địa bàn.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP, ngay từ đầu năm, huyện đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP để thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đặc biệt là vào các dịp cao điểm trong năm như: Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu, thời điểm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT...
Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn huyện đã kiểm tra được 588 lượt cơ sở. Qua đó xử lý vi phạm 20 cơ sở, số tiền xử lý vi phạm hành chính là trên 48 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không lưu trữ đầy đủ thông tin để truy xuất nguồn gốc, không niêm yết giá theo quy định, vi phạm quy định về điều kiện đảm bảo ATTP trong kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Ông Nguyễn Ngọc Cam, Phó Trưởng Phòng Y tế, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP huyện, cho biết: Qua công tác kiểm tra, Đoàn đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm của cơ sở kinh doanh. Đồng thời, chúng tôi cũng kết hợp thực hiện tuyên truyền tại chỗ, hướng dẫn cơ sở thực hiện công tác bảo đảm ATTP theo quy định pháp luật. Từ đó nâng cao ý thức về thực hiện ATTP đối với các chủ cơ sở, góp phần làm cho thị trường thực phẩm an toàn hơn.
Từ những giải pháp quyết liệt, thường xuyên, nhận thức của người tiêu dùng và người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống ngày càng được nâng lên. Trong những năm qua, trên địa bàn huyện không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo đảm ATTP vẫn còn một số hạn chế như: khó quản lý các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; công tác quản lý nhà nước về ATTP tại cấp xã chưa thực sự quyết liệt, chủ yếu mới dừng lại ở việc nhắc nhở, yêu cầu ký cam kết; đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP tại cấp xã còn mỏng, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm…
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình, cho biết: Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm ATTP, thời gian tới, huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra các cơ sở, đặc biệt là tại các chợ, nơi bày bán thức ăn nhanh, làng nghề; thường xuyên tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định ATTP. Ngoài ra, huyện sẽ đưa công tác quản lý nhà nước về đảm bảo ATTP vào bình xét thi đua khen thưởng hàng năm; đồng thời tuyên truyền, khen thưởng các cá nhân, tổ chức điển hình làm tốt để người dân và cơ sở khác học tập.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin