Sức bật “tam nông” ở thành phố công nghiệp, Kỳ II: Hướng tới nền nông nghiệp đô thị

P.V - C.T.V 08:20, 31/05/2024

Nhờ những cách làm tích cực, chủ động của Đảng bộ, chính quyền TP. Sông Công trong triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 19), chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, bà con nông dân trên địa bàn đã hăng hái thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; nhanh nhạy, biết nắm bắt nhu cầu thị trường để tạo ra những sản phẩm hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao... Đó là cơ sở để thành phố hướng đến xây dựng nền nông nghiệp đô thị.

Mô hình trồng hoa lan trong nhà màng của anh Đinh Xuân Lợi (Tổ hợp tác sản xuất hoa Kim Tiền Thảo, phường Lương Sơn) cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng hoa lan trong nhà màng của anh Đinh Xuân Lợi (Tổ hợp tác sản xuất hoa Kim Tiền Thảo, phường Lương Sơn) cho hiệu quả kinh tế cao.

Nâng tầm thương hiệu nông sản

Không chỉ liên kết trong sản xuất, tạo chuỗi giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, xây dựng nông thôn ngày càng văn minh, bà con nông dân TP. Sông Công đang từng bước xây dựng thương hiệu để nông sản địa phương ngày càng vươn xa hơn. Nhiều năm nay, tên gọi các sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao… đã trở nên quen thuộc với người dân thành phố.

Mỗi một sản phẩm nông nghiệp của bà con nông dân làm ra đều hướng đến tiêu chuẩn an toàn, có chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, tạo dựng lòng tin với người tiêu dùng. Đến nay, thành phố có 13 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao; phấn đấu đến năm 2025 có 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Sau nhiều nỗ lực tự thân và được sự hỗ trợ thiết thực của các cấp, ngành, đến nay, HTX trà Thắng Lợi (ở phường Thắng Lợi) đã có 2 sản phẩm được công nhận OCOP 3 và 4 sao. Đây là những tiền đề, động lực để HTX không ngừng nâng tầm sản phẩm.

Cũng là đơn vị chuyên cung cấp sản phẩm từ cây chè, HTX trà Cao Sơn (ở xã Bình Sơn) đã sớm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Organic tạo nên sản phẩm có chất lượng cao, độc đáo. Những phấn đấu, nỗ lực của HTX đã kết thành “trái ngọt” khi đơn vị có tới 5 sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao...

Từ khi được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, thương hiệu ổi lê của gia đình chị Dương Thị Quyên vừa có thị trường tiêu thụ rộng vừa có giá bán cao.
Từ khi được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, thương hiệu ổi lê của gia đình chị Dương Thị Quyên vừa có thị trường tiêu thụ rộng vừa có giá bán cao.
Chị Dương Thị Quyên, xóm Bài Lài, xã Tân Quang, TP. Sông Công: Tham gia tổ hợp tác và đặc biệt là từ khi sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao, ổi của gia đình được nhiều người tiêu dùng biết đến, giá bán cao hơn mà không phải lo về đầu ra của sản phẩm, thậm chí cung không đủ cầu.  

Đến xóm Bài Lài, xã Tân Quang, chúng tôi rất cảm phục trước sức lao động và thành quả mà gia đình chị Dương Thị Quyên đã tạo ra trên diện tích 2.700m2 đất vườn với những cây ổi lê, cây bưởi trĩu quả. Năm 2023, từ nguồn hỗ trợ 100 triệu đồng vốn giải quyết việc làm, chị mạnh dạn cải tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia Tổ hợp tác sản xuất cây ăn quả an toàn Tân Quang. Đồng thời mạnh dạn đăng ký sản phẩm OCOP và đã đạt tiêu chuẩn 3 sao. Tuy mới được hơn 1 năm nhưng vườn ổi đã cho thu hoạch 2 lứa, mỗi lứa trên 2 tấn quả với giá bán từ 20-25 nghìn đồng/kg.

 

Về những vùng nông thôn trong lòng thành phố công nghiệp, càng đi chúng tôi càng thêm khâm phục ý chí, quyết tâm của bà con nông dân nơi đây khi đã chủ động, quyết tâm xây dựng những vùng quê đáng sống. Ông Trần Minh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Sông Công, thông tin: Trên địa bàn có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi và hình thành  vùng sản xuất tập trung. Tính đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp thu được trên 1ha đất trồng trọt ước đạt 120 triệu đồng. Các mô hình kinh doanh dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp khác cũng góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM, đô thị văn minh.

Xây dựng những miền quê trù phú, văn minh

Về mục tiêu, TP. Sông Công phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành Nông lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030 đạt 3% trở lên (năm 2023 thành phố đạt tiêu chỉ này). Tỷ trọng ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 3% cơ cấu kinh tế. Giá trị sản xuất trung bình trên 1ha đất trồng trọt đạt 120-150 triệu đồng/ha. Các sản phẩm nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành.  

Ông Dương Xuân Hà, Giám đốc HTX trà Thắng Lợi, TP. Sông Công: Khi đã gây dựng được thương hiệu, thị trường đầu ra của sản phẩm ngày càng mở rộng. Đây là động lực giúp chúng tôi hướng tới sản phẩm OCOP 5 sao để khẳng định thương hiệu và bước tiến của mình.

Theo đánh giá của lãnh đạo thành phố trong quá trình thực hiện Nghị quyết 19, địa phương cũng còn gặp một số khó khăn, như: Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; vấn đề tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất quy mô lớn khó thực hiện; diện tích, số lượng các loại cây trồng, vật nuôi được cấp chứng nhận an toàn, hữu cơ chưa cao... Đây chính là những thách thức và thực tế yêu cầu TP. Sông Công phải có giải pháp tháo gỡ để vươn tới những đích xa hơn, bền vững hơn trong phát triển "tam nông".

Để khắc phục những hạn chế nêu trên và từng bước hướng đến nền nông nghiệp đô thị, TP. Sông Công đang chú trọng đào tạo và phát triển nhân lực nông thôn có tri thức; khuyến khích nghiên cứu và phát triển, hợp tác công tư; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tăng cường hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, ươm tạo và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Tập trung ruộng đất để áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ chế biến nông sản, đẩy mạnh và thương mại hóa, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản. 

Mô hình trồng dưa vân lưới trong nhà màng của nông dân TP. Sông Công đem lại lợi nhuận cao.
Mô hình trồng dưa vân lưới trong nhà màng của nông dân TP. Sông Công đem lại lợi nhuận cao.

Đồng chí Hoàng Thái Cương, Bí thư Thành ủy Sông Công, khẳng định: Đảng bộ TP. Sông Công sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, ứng dụng chuyển đổi số xây dựng NTM văn minh hiện đại gắn với đô thị hóa; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển các làng nghề, dịch vụ nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Thành phố tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện để các THT, HTX thực hiện các sản phẩm OCOP tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu và mang tính đặc thù của địa phương; đẩy mạnh xây dựng NTM ở mức cao hơn, hoàn thiện hơn, tạo thành những miền quê văn minh, hiện đại.

Thành phố đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh, thành phố hỗ trợ thêm đối với sản phẩm OCOP đạt 3, 4, 5 sao tương ứng 20, 30, 40 triệu đồng/sản phẩm cùng biển hiệu, bao bì, nhãn mác, máy móc thiết bị...

Bà Nghiêm Thị Bình, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP. Sông Công

Có thể nói, mặc dù còn khó khăn nhất định nhưng những kết quả đạt được của TP. Sông Công khi triển khai Nghị quyết 19 đã khẳng định tính đúng đắn, tầm nhìn chiến lược của Đảng về “tam nông”. Đặc biệt, khi ý Đảng hợp với lòng dân sẽ tạo “đòn bẩy”, luồng sinh khí mới phát huy được sức mạnh nội lực từ đó biến nông thôn trở thành những làng quê trù phú, hiện đại và đáng sống.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới và cơ quan chuyên môn của TP. Sông Công đã khảo sát, hướng dẫn 4 chủ thể xây dựng phương án kinh doanh, tổ chức sản xuất 12 sản phẩm đạt OCOP (trong đó có 8 sản phẩm mới, 4 sản phẩm được công nhận lại). Thành phố phấn đấu đến năm 2025 có thêm 8 sản phẩm chè được chứng nhận OCOP (trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao).