Chất vấn nhiều nội dung về chính sách dân tộc, đào tạo lao động

Nhóm P.V (Lược ghi) 15:34, 27/06/2024

Trong ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, lãnh đạo một số ban, ngành của tỉnh trả lời chất vấn trực tiếp của các đại biểu (ĐB) HĐND tỉnh. Phóng viên Báo Thái Nguyên lược ghi nội dung một số ý kiến chất vấn và trả lời chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hương (Tổ Phú Lương) nêu chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hương (Tổ Phú Lương) nêu chất vấn.

ĐB Nguyễn Thị Thu Hương (Tổ Phú Lương) chất vấn: Với trách nhiệm là cơ quan được giao chủ trì tham mưu, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, đề nghị đồng chí Trưởng Ban Dân tộc tỉnh trao đổi làm rõ nguyên nhân kết quả thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt thấp; các giải pháp để thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.

Đồng chí Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, trả lời: Chương trình gồm 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung thành phần. Các dự án sử dụng vốn đầu tư công có 5 dự án (Dự án 1, 2, 4, 6, 10), trong 6 tháng đầu năm 2024, các huyện, thành phố chủ yếu xây dựng kế hoạch và lập hồ sơ thiết kế, đấu thầu dự án. Các công trình chuyển tiếp khi thực hiện có khối lượng hoàn thành nghiệm thu thanh toán giá trị tạm ứng theo hợp đồng, nên tỷ lệ giải ngân thực tế qua Kho bạc Nhà nước ước đạt 40% kế hoạch vốn năm 2024.

Đối với nguồn vốn sự nghiệp, các huyện, thành phố, các đơn vị được giao đã nỗ lực thực hiện 10 dự án của Chương trình. Tuy nhiên, các nội dung này chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản hướng dẫn chuyên ngành khác nhau, do đó quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đồng chí Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, trả lời chất vấn của đại biểu.
Đồng chí Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, trả lời chất vấn của đại biểu.

Để phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn giao năm 2024 đối với Chương trình, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh xác định nhiệm vụ cụ thể của từng dự án thành phần để UBND huyện, thành phố và các đơn vị tổ chức thực hiện. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp, rà soát nhu cầu vốn chi tiết đến từng mục tiêu, nhiệm vụ của các đơn vị có khả năng thực hiện. Trên cơ sở này báo cáo, đề nghị UBND tỉnh và cấp có thẩm quyền giao vốn sát với chỉ tiêu, nhiệm vụ để giải ngân nguồn vốn.

ĐB Ân Văn Thanh (Tổ Phú Lương) chất vấn: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn hộ đồng bào DTTS sinh sống lâu năm trong vùng quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng gặp nhiều khó khăn về sinh hoạt và sản xuất. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, miền núi, đề nghị đồng chí Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết quan điểm, phương án và giải pháp tham mưu cho tỉnh để tháo gỡ khó khăn, ổn định đời sống và sản xuất cho đồng bào.

ĐB Ân Văn Thanh (Tổ Phú Lương) nêu chất vấn.
ĐB Ân Văn Thanh (Tổ Phú Lương) nêu chất vấn.

Đồng chí Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, trả lời: Qua rà soát, số hộ này chủ yếu tập trung ở các xã đặc biệt khó khăn của huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ. Trên cơ sở đó, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp - PTNT tổng hợp số hộ trong vùng quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để báo cáo UBND tỉnh và đề nghị Ủy ban Dân tộc bổ sung vào đối tượng thực hiện của Dự án 1, Dự án 2 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Khi được điều chỉnh bổ sung, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và UBND huyện tổ chức thực hiện.

Đại biểu Ân Văn Thanh (Tổ Phú Lương) chất vấn: Đề nghị Ban Dân tộc tỉnh thông tin về tiến độ và kết quả rà soát, bổ sung đối tượng thụ hưởng chính sách thuộc Dự án 2, Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung nguồn vốn hỗ trợ thực hiện việc sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết đối với hình thức tái định cư tại chỗ hoặc xen ghép đến thời điểm hiện nay.

Đồng chí Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Tháng 12-2023, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu rà soát tổng thể 34 mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; các chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện 10 dự án thành phần. Kết quả rà soát, tổng hợp có 329 hộ đề nghị bổ sung vào đối tượng thực hiện của dự án. Trong đó, bố trí ổn định dân cư xen ghép là 91 hộ; bố trí ổn định dân cư tại chỗ là 238 hộ.

Trên cơ sở này, Ban Dân tộc tỉnh đã có văn bản số 382/BDT-CSDT ngày 21/3/2024 báo cáo UBND tỉnh và đề nghị Ủy ban Dân tộc bổ sung đối tượng thụ hưởng, nội dung hỗ trợ thực hiện Dự án 2 cho tỉnh Thái Nguyên.

ĐB Lê Văn Tâm (Tổ TP. Phổ Yên) nêu chất vấn.
ĐB Lê Văn Tâm (Tổ TP. Phổ Yên) nêu chất vấn.

ĐB Lê Văn Tâm (Tổ TP. Phổ Yên) chất vấn: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB &XH) là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có chức năng thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Điểm d, Khoản 6, Điều 2, Thông tư số 11/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH: “Rà soát, xây dựng, quản lý danh mục ngành, nghề đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác; tổ chức thực hiện quy định về đào tạo trình độ trung cấp, sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề trong doanh nghiệp; thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động nông thôn, người khuyết tật, người DTTS, lao động nữ và các đối tượng chính sách khác”. Thời gian vừa qua, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ này như thế nào, đạt được kết quả cụ thể ra sao và giải pháp thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian tới?

Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trả lời chất vấn.
Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trả lời chất vấn.

Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở LĐTB&XH, trả lời: Từ năm 2022 đến nay, Sở LĐTB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 184/QĐ-UBND ngày 13/2/2023 phê duyệt danh mục chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng đối với 152 ngành, nghề. 100% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đơn vị có hoạt động giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo nghề đảm bảo đúng quy định. Các ngành, nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động như: điện tử, hàn, công nghệ ô tô, điều dưỡng, hộ sinh. Nhóm ngành máy tính, công nghệ thông tin chiếm ưu thế trong tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp.

Việc tổ chức thực hiện quy trình đào tạo trung cấp, sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề cho doanh nghiệp đảm bảo nguyên tắc và quy định của pháp luật. Năm 2022, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo 38.937 người (gồm trình độ trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên), đạt 102,46% kế hoạch; trong đó, đào tạo nghề cho lao động nữ trên 13.650 người, dân tộc thiểu số (DTTS) hơn 12.350 người. Thái Nguyên luôn nằm trong top đầu của cả nước về chất lượng đào tạo và thứ hạng (sau Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng).

Từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 86.970 người, gồm các đối tượng: lao động nông thôn, đồng bào DTTS, lao động nữ và đối tượng chính sách. Qua đó đã nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh năm 2023 lên 73%, cao hơn bình quân chung của cả nước (68%).

Đại biểu Hoàng Trần Nam (Tổ Đồng Hỷ) nêu chất vấn.
Đại biểu Hoàng Trần Nam (Tổ Đồng Hỷ) nêu chất vấn.

ĐB Hoàng Trần Nam (Tổ Đồng Hỷ) chất vấn: Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến hết tháng 6-2024, kết quả giải ngân vốn sự nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi ước đạt 10% kế hoạch vốn. Kết quả khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh tại một số địa phương cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc chậm giải ngân nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình là do chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật được cấp có thẩm quyền ban hành, làm cơ sở cho các địa phương thực hiện đào tạo nghề theo phương đặt hàng (hiện nay chủ yếu thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ). Điều 14, Thông tư số 07/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTB&XH quy định trách nhiệm của UBND tỉnh trong tổ chức xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật của các ngành, nghề đào tạo theo thẩm quyền. Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh về lĩnh vực này đề nghị làm rõ nguyên nhân, lý do đến nay sau 4 năm Thông tư có hiệu lực, tỉnh vẫn chưa ban hành được định mức kinh tế - kỹ thuật theo quy định.

Về nội dung này, đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Bộ LĐTB&XH đã ban hành Thông tư số 07/2020/TT-BLĐTBXH quy định xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2021. Sau khi Thông tư có hiệu lực, Sở LĐTB&XH đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh mục nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh với 152 ngành, nghề. Sau khi có danh mục nghề, Sở đã chủ động rà soát, lựa chọn 14 ngành, nghề đang có nhu cầu đào tạo lớn trên địa bàn để thí điểm xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật. Đến nay, 14 ngành, nghề đã cơ bản hoàn thiện trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật của 14 ngành, nghề Sở LĐTBXH đã tham khảo ý kiến một số tỉnh, thành và nhận thấy để xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật của 1 nghề cần có sự tham gia của ít nhất 45 người khảo sát tại 5 cơ sở. Để xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho 152 nghề theo danh mục cần có sự tham gia tối thiểu của 6.840 người và khảo sát tại 760 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Vì vậy Sở LĐTBXH đề xuất Bộ LĐTBXH ban hành định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng chung toàn quốc, nhằm tiết kiệm nguồn lực ngân sách.

Để thực hiện đào tạo nghề theo phương thức đặt hàng, các địa phương căn cứ vào quy định tại Thông tư số 152 ngày 17/10/2016 của Bộ Tài chính, trong đó điều 10 quy định về xây dựng đơn giá trong trường hợp chưa có định mức kinh tế kỹ thuật (bao gồm 11 nội dung, mức chi làm căn cứ để xây dựng đơn giá đặt hàng).

Trên thực tế, trong 2 năm, 2022 và 2023, tỷ lệ giải ngân chương trình này đều đạt 100% tổng nguồn vốn đủ điều kiện giải ngân. Song, lý do dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp là do trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên không phải là đối tượng thụ hưởng của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, nên số kinh phí đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị còn thừa (không được phép chi) đã kéo tỷ lệ giải ngân xuống thấp, không phải là do chưa có định mức kinh tế kỹ thuật...



Tổng hợp tin đăng kiem viec lam mới nhất tư vấn du học Hướng dẫn tìm việc nhanh 24h Trang phục bảo vệ chuyên nghiệp An Việt