Sau 3 năm triển khai thực hiện, Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) được áp dụng linh hoạt, dần đi vào quy củ, phù hợp với thực tiễn của tỉnh Thái Nguyên và được cộng đồng doanh nghiệp (DN) đồng thuận, tích cực tham gia khảo sát. Những thông tin thu thập được chính là chỉ dẫn tin cậy để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, tạo đột phá để nâng cao các chỉ số còn đạt thấp...
Nhờ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, Thái Nguyên là điểm đến của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ảnh: Nguyên Ngọc |
DDCI là chỉ số tổng hợp được sử dụng để khảo sát mức độ hài lòng của DN, hợp tác xã (gọi chung là DN) đối với hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là kênh thông tin khách quan, phản ánh trung thực đánh giá của DN về công tác điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền địa phương; thái độ, trách nhiệm, tác phong của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
2023 là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh thực hiện DDCI. Công tác điều tra, khảo sát do Viện Công nghệ truyền thông và kinh tế số (đơn vị tư vấn độc lập thực hiện khảo sát đánh giá Bộ chỉ số DDCI). Có 23 sở, ban, ngành và 9 huyện, thành phố tham gia khảo sát DDCI.
Tổng số phiếu khảo sát được phát ra là 2.500 phiếu, tổng số phiếu khảo sát thu về là 1.990 phiếu, trong đó khối các sở, ban, ngành là 1.278 phiếu; khối UBND các huyện, thành phố là 712 phiếu. Với thang điểm tối đa là 100 điểm, điểm trung bình về chỉ số DDCI của các sở, ban, ngành năm 2023 là 86,62 điểm, tăng 0,02 điểm so với năm 2022; Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị có điểm số DDCI cao nhất, với 87,95 điểm.
Qua khảo sát, có 23/23 đơn vị đạt điểm từ 80 điểm trở lên, thuộc nhóm xếp loại năng lực điều hành tốt. Trong đó, điểm trung bình của Chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin đạt cao nhất (8,74 điểm), điểm trung bình của Chỉ số hỗ trợ DN đạt điểm thấp nhất (8,52 điểm).
Điểm trung bình chỉ số thành phần DDCI các sở, ban, ngành dần có sự đồng đều, chênh lệch giữa chỉ số có điểm cao nhất là Tính minh bạch và tiếp cận thông tin với chỉ số có điểm thấp nhất là Hỗ trợ DN chỉ là 0,22 điểm.
Với Chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin, Cục Thuế tỉnh đạt điểm cao nhất 8,92 điểm; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đạt điểm thấp nhất là 8,46 điểm. Chỉ số chi phí không chính thức, Sở Tài chính đạt điểm cao nhất là 8,87 điểm, Sở Giao thông Vận tải đạt điểm thấp nhất 8,27 điểm. Chỉ số Hỗ trợ DN, Sở Kế hoạch và Đầu tư đạt điểm cao nhất 8,87 điểm, Sở Giáo dục và Đào tạo đạt điểm thấp nhất 8,02 điểm.
Về điểm số và xếp hạng DDCI cấp huyện, thành phố, với thang điểm 100. Điểm trung bình về chỉ số DDCI của các huyện, thành phố trong tỉnh là 85,87 điểm (tăng 0,22 điểm so với năm 2022). TP. Thái Nguyên là địa phương có điểm số cao nhất, với 87,58 điểm, Võ Nhai có điểm số thấp nhất, với 84,60 điểm.
Chỉ số vai trò người đứng đầu có điểm cao nhất trong các chỉ số thành phần của các huyện, thành phố (đạt 8,69 điểm, tăng 0,01 điểm so với năm 2022); Chi phí thời gian tiếp tục là chỉ số có điểm thấp nhất, chỉ tăng 0,01 điểm so với năm 2022. Hỗ trợ DN là chỉ số thành phần bị giảm điểm nhiều nhất (năm 2023 giảm 0,03 điểm so với năm 2022).
Từ năm 2021 đến nay, có hàng nghìn lượt DN tham gia khảo sát DDCI - một chỉ số PCI ở cấp độ nhỏ hơn. Các DN coi phiếu khảo sát là cơ hội để đưa ra những đánh giá thực chất về chất lượng các công việc khi giải quyết các thủ tục hành chính, làm việc với sở, ngành, chính quyền các địa phương.
Sở Công Thương là một trong những đơn vị tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. |
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên: Chúng tôi nhận thấy, các cơ quan đều xây dựng kế hoạch chi tiết, giải pháp cụ thể về cải thiện môi trường đầu tư. Tinh thần đồng hành cùng DN, kịp thời tháo gỡ khó khăn được nhìn thấy rõ. Không dừng lại ở đó, UBND tỉnh đưa chỉ số DDCI, PCI trở thành 1 tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan và cá nhân người đứng đầu. Cộng đồng DN thực sự cảm nhận những thay đổi, ngày càng thực chất hơn. Cấp ủy, chính quyền các địa phương coi cải thiện chỉ số PCI, DDCI là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu - đó là tín hiệu quan trọng, là mục đích sau cùng của mọi cuộc đánh giá, để qua đó, cộng đồng DN có thêm động lực phát triển...
Các chỉ số PAPI, PAR INDEX, SIPAS, DTI... Thái Nguyên đều trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Năm 2023, Chỉ số PCI Thái Nguyên tăng thêm 2 bậc, giữ vị trí thứ 23/63 địa phương.
Tuy nhiên, dữ liệu DDCI năm 2023 vẫn còn thiếu những sự đột phá mang tính cải cách thể chế, cải thiện khung pháp lý và năng lực điều hành của các đơn vị, địa phương. Điều đó cho thấy việc cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh còn nhiều việc phải làm, nhiều dư địa để tạo nên những đột phá.
Mặt khác, với không ít các sở, ban, ngành và địa phương, cải thiện DDCI vẫn chỉ dừng lại ở một số thủ tục ban hành văn bản và báo cáo; thiếu những giải pháp, việc làm cụ thể. Cá biệt có những cơ quan, đơn vị được khảo sát, không đưa ra được dẫn chứng về những trợ giúp, đồng hành, việc làm cụ thể đối với cộng đồng DN trong năm…
Đây chính là những tồn tại mà các sở, ban, ngành, địa phương cần nhìn nhận thấu đáo để tiếp tục có những giải pháp quyết liệt nhằm cải thiện tăng điểm, thứ hạng các chỉ số thành phần cho những năm tiếp theo, gắn với việc thực hiện cải thiện chỉ số PCI và các chỉ số có tính tương hỗ khác như: PAR INDEX, PAPI, SIPAS.
Chỉ số thành phần DDCI năm 2023 bao gồm 8 chỉ số (từ 1 đến 8) đối với các sở, ban, ngành và 9 chỉ số đối với các địa phương (từ 1 đến 9). Cụ thể là: (1) Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, (2) Chi phí thời gian, (3) Chi phí không chính thức, (4) Cạnh tranh bình đẳng, (5) Hỗ trợ doanh nghiệp, (6) Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, (7) Vai trò người đứng đầu, (8) Mức độ chuyển đổi số, (9) Tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin