Thời tiết vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Dông lốc, sấm sét xuất hiện nhiều là nguyên nhân dẫn tới chập, cháy thiết bị điện, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và tài sản tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình này, các cơ quan chức năng khuyến cáo mọi người chủ động phòng ngừa.
Điện lực TP. Thái Nguyên thay thế máy biến áp hỏng, đảm bảo nhu cầu cấp điện cho người dân. |
Tối 8-6 vừa qua, tại tổ 1, phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên, xảy ra vụ cháy tầng 2 của một ngôi nhà. Nguyên nhân được cơ quan chức năng xác định là do sét đánh vào cục nóng máy điều hòa nhiệt độ. Tại thời điểm đó, trong ngôi nhà không có người. Chính quyền địa phương đã thông tin tới lực lượng phòng cháy, chữa cháy của tỉnh để kịp thời dập tắt chỉ sau 10 phút nên không không có thiệt hại đáng kể.
Chị Nguyễn Thị Thanh, ở tổ 3, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên) - người thuê ngôi nhà này để kinh doanh, cho biết: Gia đình tôi ra khỏi nhà trước khi xảy ra vụ cháy khoảng 1 giờ đồng hồ. Thời điểm đó, trời đã bắt đầu mưa và kèm dông lốc, tôi cũng sơ suất vì không rút nguồn các thiết bị điện.
Trận mưa kèm sấm sét vào đêm 10, rạng sáng 11-6 mới đây cũng gây hư hỏng tài sản và thiết bị điện của một số trường học trên địa bàn huyện Phú Bình. Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thiệt hại ước tính khoảng 140 triệu đồng.
Ông Dương Thanh Trọng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Bình, cho biết: Phòng đã ban hành văn bản chỉ đạo các nhà trường và cơ sở giáo dục rà soát hệ thống lưới điện, cột thu lôi, cột chống sét, thu sét, dẫn sét, tiếp địa đối với cơ sở vật chất trường lớp, nhà hiệu bộ… 100% các nhà trường đều nghiêm chỉnh chấp hành. Tuy nhiên, thiệt hại do mưa bão phần lớn liên quan đến camera an ninh, đường truyền mạng internet vì dù nghỉ hè nhưng các nhà trường vẫn phải bật hệ thống mạng và camera 24/24 giờ để kiểm soát và đảm bảo an ninh.
Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Úc Kỳ (Phú Bình) kiểm tra thiết bị điện trước khi đóng cửa trường lớp để nghỉ hè. |
Ngoài 2 địa phương trên thì TP. Phổ Yên cũng bị thiệt hại đáng kể các thiết bị viễn thông do trận mưa lớn trong 2 ngày, 10 và 11-6. Ước tính thiệt hại gần 92 triệu đồng. Cụ thể: Lốc xoáy làm gãy 6 cột bê tông tại tuyến đường ĐT.261 đoạn phường Đắc Sơn đi xã Minh Đức; thiết bị đầu cuối ONU bị sét đánh hỏng 52 thiết bị; nguồn Adapter ONU sét đánh hỏng 70 chiếc; cột đổ làm đứt hỏng 1.200m cáp quang trục và dây cáp thuê bao…
Để chủ động phòng tránh, mọi người cần nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn, như: Kiểm tra lại toàn bộ hệ thống dây dẫn điện của gia đình; tắt hết các thiết bị dùng điện hoặc ngắt cầu dao tổng mỗi khi ra khỏi nhà. Khi xảy ra ngập úng nên cắt cầu dao, cầu trì, không chạm vào bất cứ thiết bị dụng cụ điện nào khi tay ướt hoặc đi chân trên nền ướt. Trường hợp phát sinh sự cố chập điện gây cháy phải bình tĩnh, thực hiện ngắt cầu dao điện tại chỗ, báo động cho mọi người biết để di chuyển đến nơi an toàn, sử dụng bình chữa cháy dập lửa hoặc báo với lực lượng chức năng để xử lý kịp thời…
Ông Dương Thủy Bình, Giám đốc Điện lực TP. Thái Nguyên, cho biết: Vào mùa mưa bão, hệ thống lưới điện rất hay gặp sự cố do sấm sét, dông lốc. Tính trong 2 trận mưa lớn hồi tháng 5, riêng hạ tầng lưới điện do Điện lực TP. Thái Nguyên quản lý đã bị gãy hỏng gần 30 cột điện, ước tổng thiệt hại 240 triệu đồng. Thực hiện chỉ đạo của Công ty Điện lực, đơn vị đã triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, như: Cắt tỉa hệ thống cây xanh trong đô thị; khuyến cáo người dân cắt tỉa cây xanh, tháo dỡ công trình vi phạm trong hành lang an toàn lưới điện… Người dân lưu ý không tự ý leo lên cột, không trú mưa dưới chân cột điện, mái hiên trạm biến áp. Khi phát hiện có cột điện bị đổ, gãy, đường dây điện, dây viễn thông bị đứt, rơi xuống tuyệt đối không đến gần hoặc sờ vào đường dây, báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc ngành Điện, đơn vị viễn thông kịp thời xử lý.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin