Liên quan đến các báo cáo, tờ trình, chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh được bàn thảo tại Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, các đại biểu (ĐB) đề nghị làm rõ nhiều vấn đề. Những nội dung này được đại diện các sở, ngành chức năng trả lời cụ thể tại phiên giải trình sáng nay (27-6). Phóng viên Báo Thái Nguyên lược ghi một số ý kiến tại phiên giải trình.
Chủ tọa Kỳ họp điều hành phiên giải trình sáng 27-6. |
Phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao
Giải trình về tiến độ giải ngân vốn chưa đạt yêu cầu đề ra, đồng chí Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa tỉnh đến hết tháng 5 đạt tỷ lệ 25,9% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và 16,96% kế hoạch vốn địa phương giao. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư một số dự án; việc di chuyển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng điện, viễn thông còn chậm. Thời tiết từ đầu năm đến nay mưa nhiều làm gián đoạn việc thi công các dự án…
Đồng chí Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư. |
Để tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt 100% kế hoạch được giao, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương tham mưu UBND tỉnh những giải pháp như: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục về đầu tư xây dựng, đất đai, đánh giá tác động môi trường, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư của các dự án; thực hiện thủ tục thanh toán vốn đầu tư ngay sau khi có khối lượng được nghiệm thu theo quy định, không để dồn thanh toán vào cuối năm; tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công…
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm qua các giao dịch thương mại điện tử
Về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh trên nền tảng số và hoạt động livestream bán hàng qua mạng, đồng chí Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Hiện Bộ Công Thương cấp quyền cho Sở Công Thương Thái Nguyên 156 website TMĐT, 3 ứng dụng bán hàng, 1 đơn vị đăng ký website cung cấp dịch vụ TMĐT.
Trong năm 2023, tổng doanh thu quản lý từ hoạt động kinh doanh TMĐT đạt trên 750 tỷ đồng, số thuế thu được hơn 15 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 5-2024, tổng doanh thu quản lý từ hoạt động kinh doanh TMĐT đạt trên 1.000 tỷ đồng, với số thuế thu được hơn 20 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương. |
Về kết quả xử lý vi phạm trong TMĐT, năm 2023 xử lý 54 vụ với tổng số tiền thu phạt hành chính, giá trị hàng tịch thu, giá trị hàng tiêu hủy, buộc tiêu hủy và bán hàng tịch thu là trên 704 triệu đồng… Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về TMĐT, trong thời gian tới, Sở Công Thương tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát các hoạt động livestream, thông qua các website bán hàng; đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động TMĐT, sàn TMĐT, các hình thức mua bán qua mạng xã hội…
Việc điều chỉnh giảm hạng mục đầu tư không ảnh hưởng đến mục tiêu thực hiện nghị quyết
Giải trình về ảnh hưởng của việc điều chỉnh giảm các hạng mục đầu tư đến chỉ tiêu trồng rừng, công tác bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 143/NQ-HĐND ngày 12/8/2021, về Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, đồng chí Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Dự án bảo vệ và phát triển rừng sản xuất, phòng hộ, đặc dụng và nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025 gồm 9 hạng mục được xây dựng, với tổng mức đầu tư gần 415 tỷ đồng. Kết quả thực hiện các hạng mục đến nay đều đạt và vượt kế hoạch theo tiến độ đề ra.
Đồng chí Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT. |
Theo đó, nội dung Tờ trình, quy mô đề nghị điều chỉnh giảm 7/9 hạng mục đầu tư phát triển so với quy mô đã được phê duyệt sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu, chỉ tiêu đã được thông qua tại Nghị quyết số 143/NQ-HĐND ngày 12/8/2021.
Tập trung kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng
Đồng chí Trần Quang, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh. |
Dự báo một số yếu tố gây áp lực đến mặt bằng giá trong 6 tháng cuối năm như: Tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2024; giá các vật tư chiến lược dự báo vẫn biến động phức tạp do chịu ảnh hưởng từ tình hình thế giới; Tập đoàn Điện lực Việt Nam có thể tiếp tục tăng giá điện… để kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, đồng chí Trần Quang, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, đề xuất UBND tỉnh và các địa phương thực hiện tốt việc kiểm soát, bình ổn giá; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý; đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, để ổn định nguồn cung…
Điều chỉnh phương án xét tuyển, tạo điều kiện cho học sinh vào các trường THPT
Mặc dù số lượng học sinh tốt nghiệp lớp 9 trên địa bàn tỉnh liên tục tăng qua các năm, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội. Giải trình về vấn đề này, đồng chí Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thông tin: Số học sinh tốt nghiệp lớp 9 năm học 2023-2024 là 20.805 em. Số học sinh đăng ký dự tuyển sinh vào lớp 10 là 18.001 em, trong đó chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 các trường THPT là 14.716 em. Số học sinh có nhu cầu nhưng không đỗ vào học THPT là 3.285 em.
Đồng chí Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. |
Để tăng số học sinh được vào học ở các trường THPT, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 hằng năm theo hướng tăng số lớp, số học sinh tối đa mà các trường THPT, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có thể đáp ứng; điều chỉnh phương án xét tuyển nhằm tạo điều kiện cho học sinh có nhiều nguyện vọng đăng ký vào học các trường THPT, hạn chế tối đa số học sinh có điểm cao nhưng không được học ở các trường THPT công lập; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực giáo dục để mở trường THPT ngoài công lập…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin