Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 27/41 cụm công nghiệp (CCN) đã có chủ đầu tư hạ tầng, trong số đó 16 CCN chưa đi vào hoạt động và thu hút được nhà đầu tư thứ cấp, do một trong những nguyên nhân là vướng mắc mặt bằng.
Cụm công nghiệp Sơn Cẩm I (ở xã Sơn Cẩm, TP. Thái Nguyên) đang vướng mắc về mặt bằng. |
Dự án xây dựng hạ tầng CCN Sơn Cẩm I, xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên) do Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG làm chủ đầu tư có quy mô 70,53ha, tổng mức đầu tư trên 1.304 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý II/2017 đến quý III/2024. Tuy nhiên, tính đến cuối quý II/2024, TP. Thái Nguyên mới thực hiện bồi thường, hỗ trợ được 59ha (đạt trên 83%), với 406 hộ dân đã nhận bồi thường trên 553 tỷ đồng (đạt 86,5%).
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, cho biết: Dự án đã phải điều chỉnh một số lần do tiến độ bồi thường, hỗ trợ GPMB bị chậm. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Chúng tôi đã kiến nghị chính quyền địa phương quan tâm, tập trung tháo gỡ khó khăn về mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư triển khai Dự án.
CCN Hạnh Phúc - Xuân Phương (Phú Bình) có quy mô gần 75ha, nằm cạnh tuyến đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội nên sẽ rất thuận lợi trong việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Tuy nhiên, việc thi công hạ tầng của chủ đầu tư cũng gặp khó khăn do vướng mặt bằng. Vì thế, chủ đầu tư Dự án đã phải đề nghị UBND tỉnh gia hạn thời gian thực hiện.
Ngoài vướng mắc về mặt bằng, nhiều CCN chưa thể đi vào hoạt động còn bởi hệ thống giao thông ngoài hàng rào CCN không đồng bộ với tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN. Điển hình như CCN Yên Lạc (Phú Lương) có quy mô 25,6ha, việc đấu nối giao thông tạm thời từ CCN Yên Lạc vào tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới còn nhiều khó khăn…
Ở một góc độ khác, đối với 11/27 CCN đã được thành lập và đi vào hoạt động, theo tìm hiểu của chúng tôi, cũng mới có một số CCN như Phú Lạc 2 (Đại Từ), Cây Bòng (Võ Nhai) và Kha Sơn (Phú Bình)... là có hạ tầng xử lý nước thải tập trung. Còn lại nhiều CCN vẫn chưa có nên gặp không ít khó khăn trong thu hút các dự án đầu tư.
Vướng mắc về mặt bằng của các dự án CCN xuất phát chủ yếu do nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án chưa đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB của một số địa phương chưa được sát sao, quyết liệt. Điều này dễ thấy thông qua việc bố trí tái định cư của chính quyền địa phương tại một số dự án CCN còn chậm, chưa kịp thời và bảo đảm.
Ngoài ra, năng lực tài chính của một số chủ đầu tư dự án CCN còn thiếu và yếu. Một số CCN được thành lập sau khi có các nhà máy, xí nghiệp hoạt động sản xuất nên hạ tầng còn thiếu đồng bộ...
Trước khó khăn này, nhiều chủ đầu tư dự án CCN cho rằng, các cấp chính quyền địa phương và ngành chức năng của tỉnh cần quan tâm, tích cực hơn nữa trong công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB để bàn giao đất sạch cho doanh nghiệp thực hiện dự án; hướng dẫn các chủ đầu tư hạ tầng lập, điều chỉnh quy hoạch chi tiết, thực hiện các bước lập dự án đầu tư. Trong đó có báo cáo đánh giá tác động môi trường, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đồng thời cần kiên quyết xử lý, chấm dứt chủ trương đầu tư với các đơn vị, nhà đầu tư có năng lực kém, không có khả năng xây dựng CCN...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin