Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn tại buổi thảo luận tổ

Nhóm P.V 17:46, 26/06/2024

Chiều ngày 26/6, các đại biểu (ĐB) HĐND tỉnh chia 4 tổ để tập trung thảo luận, làm rõ nhiều vấn đề, nội dung xung quanh các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp. Báo Thái Nguyên lược ghi một số ý kiến tại buổi thảo luận tổ.

Đại biểu Dương Văn Tiến, Tổ đại biểu huyện Định Hóa phát biểu ý kiến.
Đại biểu Dương Văn Tiến, Tổ đại biểu huyện Định Hóa phát biểu ý kiến.

Về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024: Cơ bản các ĐB đều thống nhất đánh giá cao công tác điều hành của tỉnh. Tuy vậy, đối chiếu với mục tiêu đề ra thì còn một số chỉ tiêu đạt thấp so với kế hoạch đề ra.

 ĐB Hoàng Thị Minh Thu (Tổ đại biểu TP. Thái Nguyên) đề nghị UBND tỉnh bổ sung đánh giá tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ người thất nghiệp ở khu vực thành thị; đánh giá công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh điện tử, để rà soát nguồn thu thuế với hoạt động này, qua đó kiểm soát chặt chẽ chống kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

ĐB Lê Thị Thu An (Tổ đại biểu TP.Thái Nguyên) đề nghị UBND tỉnh bổ sung đánh giá việc thực hiện Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025; bổ sung đánh giá kinh tế số, xã hội số 6 tháng đầu năm, những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

ĐB Trần Văn Khương, Tổ đại biểu huyện Võ Nhai.
ĐB Trần Văn Khương, Tổ đại biểu huyện Võ Nhai.

Qua khảo sát thực tế tại các dự án thu hồi đất cho thấy thực trạng một số đơn vị khai thác tài nguyên khoáng sản thực hiện hoàn thổ còn chậm, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của nhân dân, đề nghị UBND tỉnh đánh giá, rà soát thực trạng để có giải pháp giải quyết trong thời gian tới.

ĐB Nguyễn Mạnh Hà (Tổ đại biểu TP.Thái Nguyên) nhấn mạnh: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng, trong đó công nghiệp doanh nghiệp khu vực nhà nước giảm. Do vậy tỉnh cần chủ động hơn nữa quan tâm phát triển công nghiệp địa phương như: Hình thành các cụm công nghiệp, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp. Hiện trên địa bàn mới có 11/41 cụm công nghiệp đi vào hoạt động. Hoạt động của doanh nghiệp còn khó khăn, tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để phát huy hiệu quả nguồn vốn, đồng thời tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế.

ĐB Dương Văn Tiến (Tổ đại biểu huyện Định Hóa) cho rằng: Hiện việc quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh đã xong. Đề nghị, UBND tỉnh cần sớm có giải pháp cắm mốc, cấp sổ đổ cho người dân. Qua đó, tạo kiện cho việc giữ rừng và phát triển kinh tế của người dân. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã tự nguyện hiễn đất để xây dựng các công trình. Do vậy, đề nghị chính quyền các cấp cơ sở tạo thuận lợi chỉnh lý ngay sổ đỏ cho những người dân đã hiến đất.

ĐB Kiều Thị Thao (Tổ đại biểu huyện Phú Bình) kiến nghị: UBND tỉnh đưa vấn đề về bảo vệ môi trường vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024. Cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường tại các trang trại và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Đóng góp ý kiến vào các tờ trình, dự thảo nghị quyết, ĐB Nguyễn Trung Dũng (Tổ đại biểu huyện Đại Từ) đề nghị làm rõ một số nội dung trong Tờ trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án bảo vệ và phát triển rừng sản xuất, phòng hộ, đặc dụng và nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025. Theo nội dung Tờ trình, quy mô đề nghị điều chỉnh giảm 7/9 hạng mục đầu tư phát triển so với quy mô đã được phê duyệt tại Nghị quyết số 72/NQ-HĐND ngày 21/6/2021, đề nghị đánh giá tác động, ảnh hưởng của việc điều chỉnh giảm các hạng mục đầu tư đến chỉ tiêu trồng rừng giai đoạn 2021-2025 và tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh, cũng như các mục tiêu có liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 143/NQ-HĐND ngày 12/8/2021 về Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Đối với Tờ trình, dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí và chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thuộc tỉnh quản lý năm học 2024 – 2025, ĐB Nguyễn Trung Dũng (Tổ đại biểu huyện Đại Từ) kiến nghị để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời đáp ứng các yêu cầu trong công tác hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), tránh trường hợp các cơ quan chức năng phải tiến hành rà soát và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bãi bỏ đối với các văn bản đã không còn áp dụng trên thực tế nhưng chưa có căn cứ xác định hết hiệu lực theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL. Đề nghị tại Điều 4 trong dự thảo Nghị quyết bổ sung thêm một khoản quy định về thời hạn hết hiệu lực thi hành đối với Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND ngày 29/9/2023 của HĐND tỉnh, cụ thể như sau:“Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân năm học 2023 - 2024 thuộc tỉnh Thái Nguyên quản lý hết hiệu lực kể từ 1/9/2024”.

Về Tờ trình quy định tiêu chí thành lập và tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; mức hỗ trợ, bồi dưỡng và các khoản chi khác cho người tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, ĐB Phạm Quang Linh (Tổ đại biểu huyện Đồng Hỷ) đề nghị sau khi Nghị quyết quy định tiêu chí thành lập và tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; mức hỗ trợ, bồi dưỡng và các khoản chi khác cho người tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh được thông qua, UBND tỉnh sớm có chỉ đạo các sở, ngành và các cơ quan có liên quan sớm cụ thể hóa, triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả, kịp thời.

Về các vấn đề khác: ĐB Nguyễn Văn Cường (Tổ đại biểu TP. Phổ Yên) đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đưa các vật liệu xây dựng thông thường như đất, đá, sỏi...ra khỏi danh mục khoáng sản; đồng thời có giải pháp để giữ nguyên lãi suất ngân hàng (nhiều ngân hàng thương mại cổ phần bắt đầu tăng lãi suất từ tháng 6-2024 để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định hoạt động.

ĐB Hà Thị Hường (Tổ đại biểu huyện Phú Lương)
ĐB Hà Thị Hường (Tổ đại biểu huyện Phú Lương)

ĐB Hà Thị Hường (Tổ đại biểu huyện Phú Lương) đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu có chính sách hỗ trợ đối với những người hoạt động không chuyên trách tại các xóm, tổ dân phố tham gia công tác từ 15 năm trở lên tại địa phương. Đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu có chế độ đối với cựu thanh niên xung phong được hưởng thêm các chính sách khác ngoài chính sách được hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 08/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn. Trong đó có Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện và các cơ sở dạy chương trình giáo dục phổ thông để đảm bảo triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời nghiên cứu bổ sung thêm chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT trên địa bàn tỉnh, nhằm giảm áp lực cho học sinh cũng như các bậc phụ huynh.

ĐB Nguyễn Mạnh Hà (Tổ đại biểu TP.Thái Nguyên) cho rằng công tác  tuyển sinh lớp 10 của tỉnh nhiều năm nay vẫn là vấn đề nóng, tuy tỉnh có bổ sung chỉ tiêu nhưng nhu cầu thực tế của con em nhân dân là rất lớn. Đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm hơn quy hoạch mạng lưới trường, lớp. Mặc dù tỉnh đang đẩy mạnh việc phân luồng trong giáo dục, nhưng thực tế của người dân đều mong con em được học các trường công lập. Ngành giáo dục cần nâng cao chất lượng giáo dục giữa các trường, để không tạo áp lực cục bộ giữa các trường.

ĐB Ninh Vương Thành (Tổ đại biểu TP. Sông Công) đề xuất: Thời gian vừa qua, việc triển khai xây dựng các khu tái định cư cho người dân sau thu hồi đất còn gặp nhiều khó khăn do nguồn đầu tư lớn. Đề nghị UBND tỉnh có cơ chế để hỗ trợ nguồn vốn cho các địa phương để triển khai xây dựng các khu tái định cư.