Những năm qua, Thái Nguyên đã thu hút được hàng trăm dự án đầu tư khu dân cư, khu đô thị bằng các nguồn vốn. Qua đó góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Đến nay, nhiều dự án đã khai thác sản phẩm nền, lô. Tuy nhiên, tại nhiều dự án, người dân mua đất, xây dựng nhà ở, nhưng hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị, khu dân cư chưa được hoàn thiện và bàn giao cho Nhà nước quản lý. Điều này, ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi chính đáng của người dân và công tác quản lý của chính quyền địa phương cũng gặp nhiều khó khăn.
Đường vành đai 5 và các khu đô thị được quy hoạch 2 bên đường. |
Nhiều bất cập
Trong vòng 10 năm trở lại đây, 9/9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều triển khai đầu tư xây dựng khu dân cư, khu đô thị bằng nguồn vốn trong và ngoài ngân sách. Các địa phương, như: TP. Thái Nguyên; TP. Phổ Yên; TP. Sông Công; huyện Phú Bình; huyện Đại Từ thu hút được khá nhiều dự án đầu tư khu dân cư, khu đô thị bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.
Ngay như TP. Phổ Yên, từ một huyện chỉ phát triển đô thị tập trung ở thị trấn Ba Hàng nhỏ, hẹp, bám theo dọc trục Quốc lộ 3. Tuy nhiên, sau khi lên thị xã (năm 2017) và trở thành thành phố năm 2022, Phổ Yên có bước phát triển mạnh mẽ cả về công nghiệp và thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển đô thị, với hàng loạt dự án có số vốn hàng nghìn tỷ đồng, như: Khu đô thị Việt Hàn, Khu đô thị Tấn Đức Central Park; Khu đô thị Yên Bình. Qua đó cho thấy, tốc độ phát triển đô thị của TP. Phổ Yên rất nhanh.
Còn đối với TP. Thái Nguyên, hiện có hàng chục dự án đầu tư khu đô thị như: Khu đô thị Danko; Khu đô thị Xương Rồng; Khu đô thị Crow villas… là bước ngoặt thay đổi các quy hoạch đô thị cũ để phát triển đô thị theo các quy hoạch mới mang tính hiện đại, văn minh… Việc phát triển các khu đô thị, khu dân cư mới xanh - sạch - hiện đại không những làm thay đổi diện mạo đô thị mà còn đáp ứng nhu cầu về nhà ở, nâng cao điều kiện sống của người dân.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, giai đoạn 2015-2023, Thái Nguyên đã triển khai 71 dự án khu dân cư, khu đô thị với diện tích trên 1.145ha, số vốn đầu tư 40.360 tỷ đồng. Trong đó, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 64 dự án; đấu giá quyền sử dụng đất 7 dự án. Hiện nay, hầu hết các khu dân cư này đã khai thác sản phẩm lô, nền.
Tuy nhiên, người dân mua đất, làm nhà và chuyển tới sinh sống nhưng cuộc sống gặp không ít khó khăn do hạ tầng về điện, nước, viễn thông… sau khi đầu tư xong không bàn giao được cho các đơn vị để quản lý, vận hành.
Điển hình, tại Khu dân cư số 9, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên), mặc dù hệ thống đèn chiếu sáng đã được đầu tư, song hơn 10 năm sinh sống ở đây các hộ dân vẫn phải chịu cảnh sống giữa lòng thành phố nhưng đường đi lại tăm tối. Hành lang bên đường không có người quét dọn, vệ sinh nên cỏ dại mọc um tùm, gây mất mỹ quan.
Không chỉ vậy, cư dân ở khu dân cư này còn phản ánh: Họ mua đất, làm nhà ở đã hơn 10 năm nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Anh Trần Văn Thái, ở Khu dân cư số 1 Hoàng Văn Thụ (TP Thái Nguyên), chia sẻ: Người dân mua đất, xây dựng nhà ở, kinh doanh tại khu vực này khá sầm uất, nhộp nhịp. Tuy nhiên, điện chiếu sáng đường đã có nhưng không cấp điện, do vậy các hộ kinh doanh chủ yếu tự lắp đèn chiếu sáng ở khu trước cửa của gia đình, trong khi đó, các phương tiện giao thông qua lại nhiều nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Khu dân cư Phú Đại Cát (phường Bãi Bông, TP. Phổ Yên) chậm hoàn thành hạ tầng kỹ thuật. |
Nguyên nhân?
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng các khu đô thị, khu dân cư được xây dựng hoàn thiện, người dân đến sinh sống, nhưng chưa thể bàn giao hạ tầng kỹ thuật cho nhà nước quản lý do nhiều nguyên nhân, trong đó có vướng mắc về các quy định của pháp luật, các văn bản hướng dẫn còn chưa cụ thể.
Ông Nguyễn Công Việt, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nói: Một số nhà đầu tư chưa chủ động, tích cực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, nhiều dự án phải chờ xin chấp thuận thủ tục chuyển đổi đất rừng, đất lúa (một số dự án đã lập hồ sơ xin chấp thuận hơn 1 năm nay nhưng chưa được chấp thuận); một số đơn vị quản lý về lĩnh vực điện, nước, viễn thông chưa đồng ý nhận bàn giao công trình sau khi đầu tư với lý do các hộ dân chưa được lấp đầy nên không đủ kinh phí để quản lý, vận hành khai thác…
Ông Vũ Duy Nghĩa, Chủ tịch UBND TP. Sông Công, cho hay: TP. Sông Công hiện có trên 50 dự án khu dân cư, đô thị đang triển khai. Song hầu hết các dự án này đều chậm trong khâu giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng tới tiến độ giao đất, đầu tư xây dựng hạ tầng, do vậy các dự án đều bị chậm tiến độ so với tiến độ được phê duyệt.
Tập trung gỡ vướng
Trước thực trạng trên, đã đến lúc các cấp, ngành, địa phương và nhà đầu tư phải chủ động, tích cực vào cuộc, đồng hành cùng tổ chức thực hiện. Hiện nay, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của tỉnh tham mưu xử lý các dự án còn vướng mắc. Đồng thời tiếp tục yêu cầu các Thanh tra tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư ngoài ngân sách trong đó, trọng tâm là các khu dân cư, khu đô thị bị chậm tiến độ, chưa bàn giao được hạ tầng kỹ thuật. Từ đó đánh giá các khó khăn vướng mắc để đưa ra hướng xử lý.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu các nhà đầu tư phải chủ động, tích cực vào cuộc, đồng hành tổ chức thực hiện. Tìm giải pháp với các nội dung còn có khó khăn, vướng mắc mới có khả năng hoàn thành đúng tiến độ của dự án và xử lý dứt điểm được tình trạng này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin