Do nhu cầu tiêu dùng tăng cao, vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ luôn được coi là “mặt trận nóng”, mang đến những thách thức không nhỏ cho các lực lượng chức năng. Là địa bàn đông dân cư, hoạt động thương mại dịch vụ trong tỉnh Thái Nguyên sôi động; việc vi phạm trong buôn bán, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Đội Quản lý thị trường số 1 phát hiện xe ô tô của ông Lê Văn Quang (trú tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) chở trên 1,4 tấn hoa quả không đảm bảo an toàn đi tiêu thụ tại thị trường Thái Nguyên. |
Vàng thau lẫn lộn
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, Thái Nguyên dù không có biên giới trên đất liền, trên biển, nhưng có nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đi qua nên nhiều đối tượng lựa chọn đây là địa bàn trung chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, nhập lậu từ nước ngoài vào thị trường nội địa.
Các nhóm hàng thường bị làm giả (quần áo, giầy dép, phụ tùng ô tô, xe máy, hàng kim khí, điện tử, điện gia dụng, mỹ phẩm...) là những mặt hàng đang được ưa chuộng, tiêu thụ mạnh trên thị trường. Tại một số cửa hàng, chợ trên địa bàn, không khó tìm thấy những sản phẩm được đóng mác thương hiệu cao cấp trên thế giới như: Levis, Nike, Adidas, Converse, Chanel, Lacoste..., nhưng giá lại rất bình dân.
Trong vai người mua hàng, chúng tôi đến một cửa hàng chuyên kinh doanh túi xách trên đường Lương Ngọc Quyến (TP. Thái Nguyên) để mua một chiếc túi xách Louis Vuitton super fake giống hàng thật đến 99%, nhưng chỉ với giá 700.000 nghìn đồng (trong khi hàng thật có giá 68 triệu đồng). Tại đây, phần lớn hàng hóa được bày bán đều nhập từ các xưởng gia công Trung Quốc. Không chỉ bán trực tiếp, cửa hàng này còn rao bán trên mạng, thu hút lượng người quan tâm và mua hàng không nhỏ.
Cũng với hàng nhái, hàng giả thương hiệu, một số cửa hàng còn tự nhận là hàng chính hãng, được tuồn từ nhà sản xuất vào thị trường dưới nhiều hình thức, như: hàng lỗi, hàng thanh lý, xả hàng..., để đánh lừa người tiêu dùng.
Thực phẩm... cũng không ngoại lệ
Nhiều người vẫn không khỏi rùng mình mỗi khi nhớ lại vụ việc lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) phát hiện, tiêu hủy trên 2 tấn thịt lợn “bẩn”, bốc mùi hôi thối được bà Nguyễn Thị Quy (trú tại phường Hồng Tiến, TP. Phổ Yên) lưu trữ để kinh doanh kiếm lời tại chợ Đồng Quang (TP. Thái Nguyên) vào cuối tháng 9-2023. Khi vụ việc chưa kịp lắng xuống, lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra kho thực phẩm đông lạnh của ông Trần Thế Đông, tại tổ 6, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), phát hiện trên 2,2 tấn xương, thịt lợn đã biến đổi màu sắc và bốc mùi khó chịu.
Tính chung trong năm 2023 đến nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 3 vụ vận chuyển, buôn bán thịt lợn "bẩn" với tổng khối lượng khoảng 7 tấn. Ông Lý Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn - Vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Sở Y tế, cho rằng: Thực tế cho thấy, công tác kiểm tra ATVSTP còn gặp nhiều khó khăn và đôi khi bị bỏ ngỏ. Các vụ việc trên bị xử lý đều do có nguồn tin báo từ nhân dân. Do vậy, để có thể phát hiện, xử lý từ gốc vấn đề này rất cần sự phối kết hợp giữa lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và từ chính người dân tham gia tố giác các hành vi vi phạm.
Vẫn còn những rào cản
Năm 2023 và 6 tháng năm 2024, Cục QLTT tỉnh đã thanh tra, kiểm tra 1.384 vụ việc; phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.102 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trị giá hàng hóa vi phạm và xử phạt hành chính 17,9 tỷ đồng; thu nộp ngân sách nhà nước gần 11 tỷ đồng; chuyển cơ quan tố tụng xem xét, khởi tố hình sự 3 vụ việc.
Để kiểm soát thị trường ngày càng hiệu quả, thời gian qua, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã thường xuyên ban hành các văn bản, chỉ đạo ngành thành viên và các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng kế hoạch, phương án, giải pháp triển khai thực hiện sát với đặc thù địa phương; đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn; chống hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (QSHTT) ở diện rộng; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao ý thức của tổ chức, cá nhân trong công tác chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; chấn chỉnh những sơ hở, thiếu sót và đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng vi phạm QSHTT ngay tại cơ sở.
Ông Tạ Đình Dũng, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, cho biết: Mặc dù các lực lượng chức năng luôn đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm, song tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ… vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi và tập trung chủ yếu ở các địa bàn thành phố, nơi có sức tiêu thụ cao hoặc vùng sâu, vùng xa, nơi người dân khó nhận biết. Người bán ham lợi nhuận, còn người mua lại thích giá rẻ hoặc tặc lưỡi thỏa hiệp cũng là một trong những nguyên do khiến hàng giả, hàng kém chất lượng có đất “dụng võ”.
Livestream bán hàng đang trở thành xu hướng. |
Hiện nay, trên thị trường nội địa có tới 15-17 lực lượng thanh tra, kiểm tra. Ngoài QLTT, Công an là lực lượng chủ công còn có thanh tra ở các lĩnh vực: công thương, VSATTP, y tế, khoa học - công nghệ, kiểm dịch động vật, thực vật, thú y… Lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường đông đảo nhưng lại thuộc nhiều ngành khác nhau dẫn đến phân tán, đồng thời cũng tạo ra sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động của các cơ quan.
Nhiều lực lượng có quân số mỏng tổ chức kiểm tra, xử lý không thường xuyên, không bao quát được các địa bàn. Bên cạnh đó, do cùng một hành vi vi phạm nhưng lại quy định nhiều cơ quan chức năng cùng có thẩm quyền xử lý, dẫn đến vận dụng khác nhau, không thống nhất trong cách thức xử lý, gây khó khăn cho cả đối tượng bị xử phạt.
Cùng vào cuộc quyết liệt
Có thể nói, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm QSHTT là "cuộc chiến" trường kỳ, cần sự phối hợp của xã hội. Trong đó phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng; đẩy mạnh số hóa, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành và kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng QLTT. Việc cung cấp thông tin của doanh nghiệp, chủ thể, cũng như ý thức tự bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp cần phải được nâng cao hơn nữa; đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; gắn với trách nhiệm xây dựng lực lượng QLTT trong sạch.
Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần nâng cao ý thức trách nhiệm trước cộng đồng; có chiến lược tập trung đầu tư, áp dụng khoa học - công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Đặc biệt, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình thông qua việc lựa chọn các địa điểm kinh doanh uy tín, mua hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không dung túng, tiếp tay tiêu thụ những sản phẩm làm nhái, làm giả. Qua đó góp phần bình ổn thị trường, từng bước làm lành mạnh môi trường kinh doanh hàng hóa, dịch vụ...
* Tại Thái Nguyên, doanh số thương mại điện tử chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Xu hướng kinh doanh trên các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube, TikTok) ngày càng được mở rộng. Tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử đạt gần 30%; phấn đấu đến năm 2025 đạt 50%. * Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, từ năm 2023 đến nay, Cục QLTT tỉnh đã tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong sử dụng website thương mại điện tử bán hàng. Qua đó xử lý 64 vụ về thương mại điện tử, tổng số tiền phạt là 627 triệu đồng. Đồng thời tổ chức các hội nghị tuyên truyền về lĩnh vực thương mại điện tử; thực hiện ký cam kết với 4.395 cơ sở không buôn bán hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.... |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin