Hiện đang vào giữa mùa mưa bão nên miền Bắc xuất hiện nhiều trận mưa dông lớn gây hiện tượng ngập úng cục bộ, sạt lở đất. Tại tỉnh Thái Nguyên, mấy ngày qua xuất hiện mưa dông kéo dài, có nơi lượng mưa lên tới 300 - 400mm gây thiệt hại đáng kể về hoa màu, tài sản của nhân dân. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, tỉnh Thái Nguyên đang chủ động, quyết liệt triển khai các phương án phòng, chống, giảm nhẹ tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Lực lượng chức năng huyện Định Hóa trực, bảo đảm an toàn tại tuyến đường bị ngập sâu. |
Tại một số huyện miền núi của tỉnh những ngày qua do ảnh hưởng của mưa bão kéo dài đã khiến không ít nơi bị ngập úng, sạt lở đất gây chia cắt giao thông. Tại huyện Định Hóa, trên Quốc lộ 3C từ Định Hóa đi huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn có nhiều điểm sạt lở, nhất là khu vực Đèo So sạt lở với khối lượng lớn đất đá gây ách tắc giao thông. Một số đoạn trên tuyến tỉnh lộ từ Phú Lương đi Định Hóa bị chia cắt, có lúc phương tiện chỉ có thể di chuyển theo tỉnh lộ nối từ huyện Định Hóa về huyện Đại Từ. Một số huyện khác như Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai, Đồng Hỷ, tình trạng ngập úng cục bộ, chia cắt giao thông cũng diễn ra. Nhiều đường tràn, cầu tràn phải duy trì biển cảnh báo không qua lại vì bị ngập sâu dưới nước. Đã có ít nhất 1 trường hợp bị nước cuốn trôi vì chủ quan khi qua cầu tràn.
Dự báo thời tiết những ngày tới tiếp tục có mưa, nguy cơ xảy ra ngập úng, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi là rất cao. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Công điện về việc chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn thời gian tới. Tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục triển khai nghiêm túc các biện pháp cấp thiết trong phòng, chống thiên tại theo đúng tinh thần chỉ đạo tại 4 Công điện của UBND tỉnh (số 02, 05, 06 và 07) trước đó về tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, chủ động ứng phó với các đợt mưa lớn, tập trung khắc phục sự cố sạt lở đất…
Đặc biệt, tỉnh yêu cầu tất cả không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thiên tai trên địa bàn. Ngoài ra, đối với người đứng đầu chính quyền các địa phương phải chỉ đạo sát sao công tác phòng, chống thiên tai, trên cơ sở kết quả rà soát các khu vực, vị trí có nguy cơ chịu ảnh hưởng thiên tai, tiến hành điều chỉnh, bổ sung phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp. Trong đó, đặc biệt lưu ý biện pháp chủ động, quyết liệt và phương án "4 tại chỗ", huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để giảm thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất,… gây ra. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật nếu để xảy ra lơ là, chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại về tính mạng của người dân.
Tỉnh cũng yêu cầu các lực lượng quân đội, công an chủ động chỉ đạo lực lượng đóng trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ, sạt lở đất theo đề nghị của địa phương. Các ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông - Vận tải theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với các địa phương chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn đối với các lĩnh vực đê điều, hồ đập, sản xuất nông nghiệp, cấp điện, khai khoáng, an toàn giao thông…
Riêng đối với đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi của tỉnh là Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Thái Nguyên cần phải tăng cường quản lý, vận hành các công trình thủy lợi được giao đúng quy định, đặc biệt, đối với công trình hồ chứa nước Núi Cốc. Đây là công trình phòng lũ quan trọng nhất của tỉnh nên cần thực hiện nghiêm quy trình vận hành đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt. Ở thời điểm mưa lớn những ngày qua, mực nước đo được ở hồ Núi Cốc ở mức từ 4.600cm đến 4.700cm, mức từ báo động cấp I lên trên báo động cấp II. Cơ quan quản lý đã phải tiến hành xả lũ với lưu lượng lên tới 100m3/s…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin