Sau 3 tháng tăng liên tiếp, đến tháng 7, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã giảm từ 1.000 đến 4.000 đồng/kg so với tháng 6, dao động ở mức 62 đến 66 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, khoảng 2 tuần nay, giá lợn hơi tại tỉnh tăng trở lại (tăng từ 5 đến 10 nghìn đồng/kg). Đây là mức tăng khá cao kể từ đầu năm đến nay.
Tại Siêu thị Minh Cầu (TP. Thái Nguyên), sản phẩm thịt lợn được chăn nuôi theo quy trình VietGAP luôn "hút" người tiêu dùng. |
Chị Nguyễn Thị Bài, một tiểu thương bán thịt lợn ở phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên), cho biết: Gia đình tôi thường mua lợn ở các xóm, bản vùng cao của huyện Võ Nhai, Định Hóa, thậm chí tại tỉnh Bắc Kạn, về giết mổ và bán lẻ. So với hơn 1 tháng trước, hiện nay, giá bán lợn hơi đang tăng hơn 10 nghìn đồng/kg. Theo đó, giá lợn hơi mua vào là 85 nghìn đồng/kg, giá thịt lợn bán lẻ (sau giết mổ) cho người tiêu dùng cũng tăng từ 140 nghìn đồng lên 150 nghìn đồng/kg, loại ngon (như xương sườn, thịt nạc) tăng lên 160 nghìn đồng/kg.
Theo chia sẻ của chị Bài, loại thịt lợn gia đình chị bán cho người tiêu dùng là lợn ta, được chăn nuôi thủ công nên giá bán cao hơn so với lợn thường từ 20 đến 30 nghìn đồng/kg.
Tại chợ Thái, chợ Túc Duyên, Đồng Quang (TP. Thái Nguyên), thịt lợn đang được bán cho người tiêu dùng với giá từ 120 đến 150 nghìn đồng/kg (tùy loại). Bà Trịnh Thị Lân, một người chuyên bán thịt lợn tại “chợ cóc” trên đường Bắc Kạn (TP. Thái Nguyên), cho biết: Tôi thường lấy thịt lợn tại các lò mổ trong tỉnh về bán lẻ. Hiện nay, giá thịt lợn mua vào của tôi tăng khoảng 5 đến 7 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, khi bán lẻ cho người tiêu dùng, tôi cũng chỉ tăng từ 2 đến 3 nghìn đồng/kg. Mặc dù lãi ít nhưng với số lượng bán được nhiều hơn thì tiểu thương như tôi cũng không bị thiệt…
Tại Siêu thị Minh Cầu (TP. Thái Nguyên), giá bán thịt lợn cũng nhích nhẹ lên trên dưới 5 nghìn đồng/kg (tùy loại). Theo đó, xương ống đang được bán với giá thấp nhất (60 nghìn đồng/kg); thịt ba chỉ loại 1 và xương sườn vai có giá 145 nghìn đồng/kg; xương sườn thăn có giá bán cao nhất (150 nghìn đồng/kg)…
Tìm hiểu chúng tôi được biết, giá lợn hơi tăng là do thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi nên nhiều hộ chăn nuôi giảm quy mô đàn, dẫn đến nguồn cung giảm nhẹ nhưng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện nay, dịch bệnh đã được khống chế, Thái Nguyên công bố hết dịch gần 2 tháng nay, giá lợn lại có xu hướng tăng trở lại nên nhiều hộ chăn nuôi cùng một số trang trại đang “rục rịch” tái đàn và mở rộng quy mô đàn lợn nhằm phục vụ nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Như vậy có thể thấy, kể từ năm 2017 - thời điểm giá lợn hơi xuống thấp nhất trong khoảng 10 năm (dưới 30 nghìn đồng/kg) thì những năm gần đây, giá lợn hơi luôn có xu hướng tăng. Đặc biệt, năm 2020, có thời điểm giá lợn hơi tăng lên mức kỷ lục (từ 92 đến 95 nghìn đồng/kg). Hiện tại, giá lợn hơi chưa đạt mức kỷ lục như 4 năm về trước nhưng vẫn có lợi cho người chăn nuôi. Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, kể cả khi giá lợn hơi thấp hơn hiện nay khoảng 5 nghìn đồng/kg thì họ vẫn có lãi.
Trước diễn biến tăng giá lợn hơi, dự kiến đàn lợn trên địa bàn tỉnh sẽ tăng trở lại vào dịp cuối năm (hiện nay tổng đàn lợn vào khoảng 600 nghìn con). Tuy nhiên, để đàn lợn phát triển khỏe mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao thì việc phòng, chống dịch bệnh cần được quan tâm, nhất là bệnh tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi.
Đặc biệt, nhằm tránh tình trạng “mất giá” do lượng cung nhiều hơn cầu, các cấp, ngành chức năng nên có sự định hướng cho các nông hộ, trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Người chăn nuôi cũng nên thận trọng, cân nhắc khi tái đàn hoặc mở rộng quy mô đàn lợn; đầu tư chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, VietGAP để nâng cao chất lượng thịt lợn thương phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin