Phòng y tế là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, có chức năng tham mưu, giúp chính quyền địa phương thực hiện quản lý nhà nước về y tế dự phòng; khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế trên địa bàn… Tuy nhiên, tại một số địa phương của tỉnh Thái Nguyên, việc tìm người cho vị trí trưởng phòng y tế còn gặp không ít khó khăn...
Do không có Phòng Y tế nên công tác quản lý nhà nước về khám, chữa bệnh và các nội dung liên quan khác tại huyện Định Hóa gặp phải một số khó khăn nhất định (ảnh minh họa). |
Trong số 9 huyện, thành của tỉnh, Định Hóa hiện là địa phương vẫn có phòng y tế nhưng chỉ là trên giấy tờ, trên thực tế lại không có. Trước đây, Phòng Y tế huyện cũng có 1 trưởng phòng và 1 nhân viên. Từ khi đồng chí Trưởng phòng nghỉ chờ chế độ vào cuối năm 2019 (chính thức nghỉ hưu tháng 7-2022), thì Phòng đã không có Trưởng phòng. Một nhân viên hợp đồng của Phòng cũng đã trúng tuyển viên chức vào một vị trí khác nên đã chuyển công tác. Chính vì thế, hơn 4 năm nay, Định Hóa “coi như” không có phòng y tế.
Không có con người cụ thể làm việc tại Phòng Y tế, nhưng huyện Định Hóa vẫn đang thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế theo Thông tư số 37/2021/TT-BYT ngày 31/12/2021 của Bộ Y tế. Cụ thể là theo quy định tại Điều 3 của Thông tư này: Đối với những đơn vị cấp huyện không tổ chức riêng phòng y tế thì chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về y tế do Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện đảm nhận.
Theo đó, huyện đã giao nội dung này cho một phó chánh văn phòng HĐND và UBND huyện đảm nhận. Do không có chuyên môn trong lĩnh vực này nên để đảm bảo các nội dung đưa ra được chuẩn xác, các văn bản chỉ đạo liên quan đến ngành Y tế, bao giờ huyện cũng tham vấn thêm Trung tâm Y tế và Bệnh viện đa khoa huyện. Các hoạt động kiểm tra, chỉ đạo liên quan đến lĩnh vực y tế cũng thường phải giao cho Giám đốc Trung tâm Y tế hoặc Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện làm trưởng đoàn.
Thực tế này được ví như “vừa đá bóng vừa thổi còi”, làm ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng công tác kiểm tra, chỉ đạo, nhưng cũng không làm khác được, vì những đơn vị “được kiểm tra” mới có chuyên môn.
Đồng chí Phạm Quang Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa, cho biết: Huyện đã nhiều lần làm việc với các đơn vị y tế trên địa bàn, đồng thời giao Phòng Nội vụ huyện rà soát những người đáp ứng được điều kiện về bằng cấp chuyên môn (có bằng đại học y hoặc dược) và lý luận chính trị (trung cấp trở lên) để “mời” về làm Trưởng Phòng Y tế nhưng không ai muốn về. Kể cả những người chưa có lý luận chính trị, sau khi về phòng, huyện sẽ cử đi học, đến lúc đủ điều kiện sẽ bổ nhiệm, nhưng vẫn không tìm được nguồn.
Khác với Định Hóa, Phòng Y tế huyện Phú Bình hiện vẫn hoạt động, chỉ có điều từ ngày 1/1/2023 đến nay không có Trưởng phòng, mà chỉ có 1 Phó phòng và một nhân viên. Đồng chí Phó phòng Y tế hiện nay có một thời gian được điều động, luân chuyển sang làm Phó Trưởng Phòng Tư pháp (có bằng đại học Luật).
Đến cuối năm 2022, khi Trưởng Phòng Y tế chuẩn bị nghỉ chế độ, đồng chí Phó phòng được điều động quay trở lại Phòng Y tế (do có cả bằng trung cấp y). Huyện Phú Bình đã có văn bản xin ý kiến các sở, ngành liên quan để bổ nhiệm đồng chí Phó phòng làm Trưởng phòng, song theo quy định của Bộ Y tế và UBND tỉnh, một trong những yêu cầu bắt buộc đối với trưởng phòng y tế cấp huyện là phải có trình độ đại học chuyên ngành y hoặc dược. Do đó, huyện Phú Bình không thể bổ nhiệm được chức danh này.
Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Phú Bình (do Phòng Y tế chủ trì) kiểm tra việc kinh doanh mặt hàng tiêu diệt côn trùng tại một cửa hàng trên địa bàn huyện. |
Trước đó, huyện Phú Bình cũng đã đưa vào quy hoạch chức danh này đối với một số bác sĩ của Bệnh viện đa khoa huyện và Trung tâm Y tế huyện nhưng không ai “gật đầu”. Lý do được các bác sĩ đưa ra đó là thích làm chuyên môn hơn làm quản lý. Bởi nếu muốn, các bác sĩ vẫn có thể làm thêm ở các phòng khám tư nhân hoặc tự mở phòng khám, để tăng thu nhập. Còn nếu sang phòng y tế, chuyên môn chính sẽ có nguy cơ bị mai một. Thêm vào đó, họ lại phải soạn thảo văn bản, tìm hiểu các văn bản của Nhà nước để tham mưu cho UBND huyện trong hoạt động quản lý y tế…
Trên địa bàn tỉnh hiện có một số địa phương có trưởng phòng y tế cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu. Việc tìm nguồn đưa vào quy hoạch tại một số đơn vị cũng gặp phải một số khó khăn nhất định. Chính vì thế, nhiều người hy vọng, từ ngày 1/7/2025, khi trung tâm y tế huyện được chuyển về cấp huyện quản lý, thay vì trực thuộc Sở Y tế hiện nay, thì việc bố trí, phân công bác sĩ làm trưởng phòng y tế sẽ thuận lợi hơn.
Một câu hỏi được đặt ra là các địa phương có nhất thiết phải có phòng y tế và trưởng phòng y tế có cần có bằng đại học y/dược? Theo các đồng chí: Phạm Quang Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa; Phạm Thế Vinh, Trưởng Phòng Y tế huyện Đồng Hỷ… thì những điều này là cần thiết. Cũng chính vì thế, huyện Định Hóa đang tiếp tục giao các phòng, ban liên quan tìm người có trình độ chuyên môn để “mời” về phòng y tế.
Còn theo đại diện lãnh đạo Sở Y tế, trưởng phòng y tế có trình độ đại học là rất tốt, vì khi có trình độ về chuyên môn, việc tham mưu trong công tác quản lý nhà nước sẽ thuận lợi, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp khó tìm được nguồn như Phú Bình, Định Hóa và có thể tới đây là một số địa phương khác, tỉnh cũng nên cân nhắc để có sự vận dụng linh hoạt, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin