Sau hơn 2 năm phát sóng thử nghiệm mạng 5G tại Thái Nguyên, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đang lắp đặt những trạm phát sóng (BTS) 5G chính thức đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 100 trạm BTS 5G sẽ được triển khai từ nay đến cuối năm 2024 tại một số khu công nghiệp và khu vực đông dân cư. Nỗ lực này khẳng định cam kết của Viettel trong việc thúc đẩy áp dụng toàn diện công nghệ số trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, thực thi công vụ trên địa bàn tỉnh.
Công nghệ 5G với khả năng hỗ trợ tốc độ cao vượt trội, độ trễ cực thấp và mật độ kết nối khổng lồ sẽ thay đổi cơ bản cách thức vận hành của xã hội số trong tương lai. |
Cuối năm 2021, Viettel Thái Nguyên là đơn vị đầu tiên chính thức khai trương thử nghiệm mạng di động thế hệ thứ 5 (5G) tại Thái Nguyên. Sự kiện này đưa Thái Nguyên trở thành 1 trong 16 tỉnh, thành phố được phủ sóng 5G sớm nhất cả nước. Phạm vi phủ sóng thử nghiệm 5G Viettel là tại khu vực trung tâm TP. Thái Nguyên và Khu công nghiệp Yên Bình (TP. Phổ Yên).
Sau hơn 2 năm phát sóng 5G thử nghiệm tại Thái Nguyên cũng như 60 tỉnh, thành phố trong cả nước, trung tuần tháng 4 vừa qua, Viettel là một trong hai nhà mạng được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G trên toàn quốc.
Với việc cấp phép này, Viettel đã nhanh chóng triển khai hạ tầng để chính thức cung cấp dịch vụ 5G tại 63 tỉnh, thành phố. Riêng tại Thái Nguyên, Viettel đang triển khai lắp đặt 100 trạm phát sóng BTS sử dụng công nghệ 5G, tập trung tại khu vực trung tâm TP. Thái Nguyên và một số khu công nghiệp trọng điểm như: Yên Bình, Điềm Thuỵ, Sông Công…
Viettel Thái Nguyên là đơn vị đầu tiên chính thức khai trương thử nghiệm mạng di động thế hệ thứ 5 (5G) trên địa bàn tỉnh từ cuối năm 2021. |
Song song với xây dựng hạ tầng, Viettel sẽ đưa ra các giải pháp thông minh hóa trong công nghiệp, với các ứng dụng thực tế ảo/thực tế tăng cường; quản trị thông minh, điện toán đám mây, quản lý dây chuyền. Viettel cũng có các mô hình mạng 5G dùng riêng với chi phí cho hạ tầng kết nối của nhà máy thông minh có thể tiết kiệm tới 22% so với giải pháp mạng riêng trên wifi truyền thống. Điều này giúp doanh nghiệp giảm chi phí vật tư tiêu hao, nhân công lắp đặt, đào tạo nhân viên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Viettel Thái Nguyên, cho biết: Công nghệ 5G với khả năng hỗ trợ tốc độ cao vượt trội, độ trễ cực thấp và mật độ kết nối khổng lồ, lên tới hàng triệu kết nối/km2 sẽ thay đổi cơ bản cách thức vận hành của xã hội số trong tương lai, đặc biệt những ngành như công nghiệp cao, y tế, giao thông, giáo dục, điều hành thông minh… Hiện tại, các đơn vị thi công của Viettel đã triển khai các bước cụ thể của quy trình lắp đặt hạ tầng, xây dựng các trạm BTS 5G trên địa bàn tỉnh.
Để thúc đẩy lộ trình triển khai hạ tầng băng thông rộng không dây di động, Viettel Thái Nguyên phấn đấu triển khai đồng bộ hạ tầng mạng 4G, 5G phủ rộng vùng sâu, vùng xa. Chính vì vậy, song song với việc triển khai các trạm BTS 5G, Viettel Thái Nguyên cũng sẽ bổ sung thêm trên 140 trạm BTS 4G trên địa bàn tỉnh để dần thay thế các trạm BTS 2G, 3G hiện nay. Để việc chuyển đổi thành công, bên cạnh hoạt động hỗ trợ của Viettel cho người dân chuyển đổi thiết bị đầu cuối từ 2G lên 4G, chúng tôi rất cần sự đồng hành của chính quyền các cấp trong toàn tỉnh để đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân chuyển đổi từ 2G đến 4G - Phó Giám đốc Viettel Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nói.
Bên cạnh đó, để bảo đảm không còn thuê bao sử dụng thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn 2G hoạt động trên mạng từ ngày 16/9/2024, Viettel Thái Nguyên sẽ thực hiện chặn các dòng máy 2G từ ngày 6/8/2024 theo hình thức luân phiên tại 9/9 huyện, thành phố. Với các thuê bao trong danh sách bị chặn từ thời điểm trên, nhà mạng Viettel đã tiến hành thông báo trước 1 tuần qua cuộc gọi trực tiếp, tin nhắn và âm thanh cuộc gọi chờ. Để không bị gián đoạn liên lạc, khách hàng sử dụng máy 2G cần nâng cấp máy sử dụng băng tần công nghệ 4G để tiếp tục được sử dụng dịch vụ. Viettel hiện đang hỗ trợ người dùng máy 2G 50% giá máy điện thoại sử dụng băng tần công nghệ 4G với mức giá sau khi giảm chỉ còn từ 390 nghìn đồng trở lên...
Theo kế hoạch, đến quý IV/2024, toàn bộ 100 trạm phát sóng BTS 5G của Viettel Thái Nguyên sẽ đi vào hoạt động. Việc chính thức triển khai hạ tầng mạng 5G trên diện rộng tại Thái Nguyên là dấu mốc quan trọng khẳng định cam kết của Viettel trong việc thúc đẩy áp dụng toàn diện công nghệ số trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, thực thi công vụ trên địa bàn tỉnh. Qua đó thiết thực hỗ trợ tỉnh Thái Nguyên thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, tạo tiền đề để đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số…
Triển khai mạng 5G hiện đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tháng 3-2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đấu giá băng tần 5G. Theo đó, Tập đoàn Viettel trúng đấu giá khối băng tần B1 (2500-2600 MHz); Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) trúng đấu giá khối băng tần C2 (3700-3800 MHz). Với việc đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G từ ngày 11/4/2024 cho Viettel và VNPT. Các doanh nghiệp đang triển khai thương mại hóa 5G trên phạm vi toàn quốc trong năm 2024, góp phần hình thành một hạ tầng mới, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số tại Việt Nam… |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin