Tình trạng sạt lở bờ sông Trung Năng, đoạn qua khu vực Di tích lịch sử cấp tỉnh đình - chùa Trung Năng Hạ, đã diễn ra từ nhiều năm nay, khiến người dân xóm Hạ (xã Phúc Thuận, TP. Phổ Yên) luôn sống trong lo âu. Việc sạt lở không chỉ làm mất đất sản xuất, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân, mà còn ảnh hưởng đến Di tích. Nhân dân mong muốn các cấp, ngành chức năng sớm có giải pháp khắc phục.
Những trận mưa lớn gần đây khiến tình trạng sạt lở bờ sông Trung Năng (đoạn chảy qua xóm Hạ, xã Phúc Thuận) nghiêm trọng hơn. |
Thực tế dọc bờ sông, đoạn chảy qua xóm Hạ, chúng tôi thấy có rất nhiều vết sạt lở đã ăn sâu vào đất liền, có đoạn tạo thành “hàm ếch”, nguy cơ đất sạt xuống lòng sông bất cứ lúc nào. Theo phản ánh của người dân, tình trạng này đã diễn ra cách đây khoảng 4-5 năm, tuy nhiên, năm nay thời tiết mưa nhiều khiến việc sạt lở càng nghiêm trọng hơn.
Theo báo cáo của xóm Hạ, đến nay, khu vực đình - chùa Trung Năng Hạ đã bị sạt lở với chiều dài trên 80m, sâu vào hơn 10m, riêng sân khấu xây gạch, đổ bê tông đã bị sạt, vỡ trôi mất 2/3. Ngoài ra, gần Khu di tích cũng xảy ra tình trạng sạt lở đất canh tác của nhân dân với chiều dài trên 400m, sâu vào 10m đến hơn 20m, nguy cơ tiếp tục bị sạt lở rất cao. Đặc biệt, dọc đoạn sông này còn 17 hộ dân sinh sống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão.
Anh Lục Thanh Bình, người dân xóm Hạ, cho biết: Sau mỗi trận mưa lớn, tình trạng sạt lở bờ sông càng nghiêm trọng hơn. Tôi rất lo bởi mép sông chỉ còn cách tường rào của gia đình hơn 2m. Chúng tôi mong cấp trên quan tâm, sớm có phương án khắc phục.
Nhiều đoạn bờ sông Trung Năng (qua xóm Hạ, xã Phúc Thuận, TP. Phổ Yên) vết sạt trượt đã tạo thành “hàm ếch”. |
Gia đình ông Nguyễn Văn Báo có hơn 700m2 trồng keo, mỗi năm, bờ sông bị sạt lở lại lấn dần vào đất liền, khiến nhiều cây trồng bị sạt tụt xuống lòng sông. Mới đây, mặc dù cây trồng chưa đến tuổi khai thác, song gia đình ông đã phải “bán chạy” để tránh thiệt hại.
Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Trưởng xóm Hạ, tình trạng sạt lở bờ sông Trung Năng đoạn chạy qua địa bàn hiện rất nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là do mùa mưa lũ đến, nước thay đổi dòng chảy gây xói lở và ăn mòn nhiều diện tích đất. Để khắc phục tình trạng này, các hộ dân đã trồng tre hoặc một số cây có bộ rễ ăn sâu để giữ đất. Tuy nhiên, sau mỗi trận mưa lớn, mực nước sông dâng cao, cây cối đều bị bật gốc, cuốn trôi.
Để hạn chế người dân đến gần các điểm sạt lở, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, xóm cũng đã đóng cọc tre, căng dây ở một số điểm để cảnh báo.
Chỉ khoảng 5 năm trở lại đây, sạt lở đã khiến lòng sông ăn sâu vào bờ từ 5 đến hơn 20m, tại khu vực xóm Hạ, xã Phúc Thuận, TP. Phổ Yên. |
Ông Dương Văn Hiến, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Phổ Yên, thông tin: Trước những ý kiến của người dân về tình trạng sạt lở bờ sông khu vực đình - chùa Trung Năng Hạ, UBND TP. Phổ Yên đã báo cáo, đề nghị các sở, ngành liên quan có hướng giải quyết. Tháng 7 vừa qua, Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp - PTNT phối hợp với cơ quan chuyên môn của thành phố kiểm tra thực tế khu vực này. Tại buổi làm việc, thành phố đề xuất cấp trên tạo điều kiện trong việc bố trí nguồn kinh phí để xây dựng kè, đồng thời lựa chọn phương án xây dựng tối ưu, nhằm đảm bảo tính bền vững, hạn chế tối đa tình trạng sạt lở.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin