Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến ngày 19-8, miền Bắc xảy ra mưa lớn liên tiếp, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt. Trong đó, Thái Nguyên là tỉnh được dự báo có thể bị ảnh hưởng khá lớn. Bởi vậy, tỉnh đang tăng cường các biện pháp phòng, chống mưa lũ, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.
Lực lượng chức năng huyện Đại Từ chuẩn bị sẵn sàng vật tư phòng, chống thiên tai. Ảnh: N.N |
Căn cứ vào số liệu báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT và TKCN), các huyện, thành phố trong tỉnh cho thấy, gần 8 tháng qua, mưa bão xảy ra đã khiến cho 3 người chết; 3 người bị thương. Thiệt hại về tài sản khá lớn, ước tính trên 56 tỷ đồng, trong đó huyện Định Hóa chịu thiệt hại lớn nhất với trên 27,6 tỷ đồng.
Toàn tỉnh có 178 ngôi nhà bị ngập nước; 57 hộ phải di dời khẩn cấp; 8 ngôi nhà bị ảnh hưởng do sạt lở; vùi lấp 1 xe ô tô, 3 xe máy, 652 nhà bị thiệt hại; 27 điểm trường, 1 trạm y tế, 9 nhà văn hóa bị ảnh hưởng, thiệt hại. Mưa bão cũng gây thiệt hại cho hơn 884ha lúa, trên 147ha rau màu, trên 529ha rừng; 3.060 con gia súc, gia cầm bị chết, lũ cuốn trôi; một số công trình thủy lợi, đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng…
Lãnh đạo huyện Đồng Hỷ kiểm tra, chỉ đạo khắc phục sạt lở đất trong mùa mưa năm nay. |
Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, cho hay: Ngay sau khi thiên tai xảy ra, lãnh đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát, đánh giá sơ bộ mức độ ảnh hưởng, thiệt hại để có biện pháp khắc phục hậu quả kịp thời. Các cấp, ngành liên quan cũng chủ động triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” canh gác các khu vực cầu, đường tràn bị ngập sâu bảo đảm an toàn về người, phương tiện tham gia giao thông; thu dọn đất đá sạt lở đảm bảo giao thông thông suốt; khắc phục sự cố lưới điện kịp thời phục vụ đời sống, sản xuất; sửa chữa nhà ở, trường học, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân sau thiên tai.
Các cấp, ngành chức năng trong tỉnh cũng đã tổ chức thăm hỏi, động viên hỗ trợ kịp thời các gia đình chính sách, hộ bị mất nhà cửa, gia đình neo đơn, hộ nghèo, khó khăn bị thiệt hại do thiên tai gây ra với tổng số tiền xấp xỉ 279 triệu đồng.
Các cơ quan chức năng dự báo, 5 tháng cuối năm, tình hình thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường. Ông Nguyễn Linh, Chủ tịch UBND TP. Thái Nguyên, cho biết: Dù không bị ảnh hưởng nhiều như Định Hóa, Phú Lương, Phú Bình, TP. Phổ Yên, nhưng đợt mưa lũ cuối tháng 7 đầu tháng 8 vừa qua cũng khiến địa phương bị thiệt hại hơn 2,1 tỷ đồng. Trong đó có nhiều diện tích lúa, hoa màu của người dân bị hỏng hoàn toàn. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, chúng tôi đang tăng cường các biện pháp phòng, chống bão lũ, giảm nhẹ thiên tai nhằm bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân.
Công nhân Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên vệ sinh khu vực đê sông Cầu sau mưa lũ. |
Tương tự TP. Thái Nguyên, các địa phương trong tỉnh đều đã chủ động ứng phó với mưa bão. Trong đó đặc biệt quan tâm tới công tác phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều; tiến hành rà soát những khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai, các công trình thuỷ lợi, đê điều, hạ tầng kỹ thuật bị hư hỏng, xuống cấp. Đồng thời xây dựng phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân trong các tình huống; xây dựng kế hoạch hiệp đồng phù hợp, hiệu quả; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện.
Trước những diễn biến thời tiết phức tạp như hiện nay, bên cạnh việc theo dõi sát tình hình mưa bão, dông lốc… từ cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, tỉnh thường xuyên kiểm tra hệ thống đê điều, kịp thời phát hiện sự cố, xử lý ngay để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều; thực hiện nghiêm chế độ thường trực, trực ban phòng, chống thiên tai; đảm bảo thông tin, báo cáo chính xác, kịp thời theo quy định.
Bên cạnh đó là chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời khắc phục sự cố sạt lở taluy, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính. Tăng cường kiểm tra việc đảm bảo an toàn các hoạt động khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng; thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét; cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó kịp thời, hiệu quả…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin