Những ngày qua, mưa lớn trên diện rộng khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng ngập úng, sạt lở đất. Theo dự báo của ngành chức năng, trong những ngày tới, trên địa bàn tỉnh thời tiết tiếp tục có mưa, cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Chính vì vậy, cùng với việc khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, các địa phương đã chủ động tăng cường công tác dự báo, cảnh báo để người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ tính mạng, tài sản.
Lực lượng chức năng huyện Định Hóa chốt chặn, hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông tại đèo So. |
Từ ngày 28-7 đến ngày 1/8/2024, mưa lớn đã xảy ra ở hầu hết 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Tính đến chiều 31-7, mưa lớn đã làm 1 người chết do lũ cuốn trôi khi đi qua cầu tràn (cư trú tại xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh, huyện Định Hóa); tổng thiệt hại tài sản ước tính gần 5 tỷ đồng. Cụ thể, mưa lớn làm 178 nhà dân bị ngập nước, 8 ngôi nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất và 41 hộ dân phải di dời khẩn cấp; gây ngập úng 1.831ha lúa, hoa màu và 15ha chè; 138 khu vực, vị trí, đường tràn, ngầm tràn bị ngập nước; nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, liên xã, liên xóm bị sạt lở taluy dương…
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh đã chỉ đạo huyện Định Hóa huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tìm kiếm người bị nạn; tổ chức kiểm tra, rà soát thiệt hại; thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kinh phí mai táng cho gia đình có người chết do lũ cuốn. UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 09/CĐ-UBND ngày 31-7 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động ứng phó mưa lũ, sạt lở đất trong thời gian tới. Đồng thời, UBND tỉnh cũng thành lập đoàn kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả…
Huyện Định Hóa là địa phương bị thiệt hại nặng nhất, mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường bị ngập, chia cắt, một người tử vong do lũ cuốn trôi, hàng nghìn héc-ta hoa màu bị ngập trong nước, nhiều tuyến đường bị sạt lở đất, đá, giao thông bị chia cắt. Trong đó, Quốc lộ 3C bị sạt lở tại km26+00 và khu vực đỉnh đèo So, thuộc xã Quy Kỳ. Các phương tiện không di chuyển được theo cả hai hướng Thái Nguyên và Bắc Kạn. Ngoài ra, nhiều tuyến đường khác cũng bị sạt lở.
Ông Mông Đình Tinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa cho biết: Khi thiên tai xảy ra, các cơ quan chức năng của huyện đã tích cực hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả; tăng cường khơi thông dòng chảy để tránh thiệt hại cho 1.500ha lúa, hoa màu bị ngập úng. Sau khi nước rút, chúng tôi cũng giao các đơn vị chuyên môn tiến hành phun khử khuẩn những khu vực dân cư bị ngập nước để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Còn tại khu vực sạt lở tại đèo So, theo lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải, việc khơi thông chưa triển khai được, do thời tiết vẫn còn mưa, nguy cơ sạt lở vẫn cao nên sẽ gây mất an toàn trong quá trình di chuyển đất, đá sạt lở. Hiện, Sở Giao thông - Vận tải đã thông báo và hướng dẫn phân luồng giao thông từ hướng Định Hóa đi huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn và chiều ngược lại.
Huyện Phú Lương có 148ha lúa và hoa màu bị ngập. |
Còn tại huyện Phú Lương, mưa lớn đã làm 48 điểm ngập úng tại các cầu tràn, điểm trũng thấp tại một số tuyến đường giao thông; 7 hộ dân bị đất phía sau taluy dương sạt lở vào nhà; 148ha lúa và hoa mầu bị ngập sâu… Ngay sau khi thiên tai xảy ra, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã khẩn trương khắc phục hậu quả. Ông Nguyễn Văn Biểu, Chủ tịch UBND xã Yên Trạch, cho biết: Mưa lớn làm 5 ngôi nhà bị đất sạt lở vào nhà, 15ha lúa, hoa màu bị ngập sâu. Ngay sau khi nắm được thông tin, UBND xã đã cắt cử cán bộ đến các hộ dân bị ảnh hưởng đánh giá tình hình và di chuyển khẩn cấp 1 hộ đến nơi ở an toàn. Đồng thời, vớt rác tại các cống thoát nước để cứu 15ha lúa và hoa màu, đến sáng 1-8 cơ bản nước đã rút gần hết.
Ngoài huyện Định Hóa, Phú Lương, từ ngày 31-7 đến nay, các huyện, thành khác và người dân trong tỉnh cũng đang khản trương khắc phục hậu quả thiên tai. Bà Nguyễn Thị Tám, xóm Hùng Vương, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên), cho biết: Lũ trên đầu nguồn đổ về nên gây ngập úng 2 sào lúa của gia đình. Nước rút chậm nên có thể lúa bị chết úng, chúng tôi đã chuẩn bị giống để gieo cấy lại khi nước lũ rút.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong những ngày tới, khu vực Bắc Bộ nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, cục bộ có nơi trên 200mm, nguy cơ cao tiếp tục xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất. Trước tình hình trên, để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo; thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các các xã, phường, thị trấn và người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; sẵn sàng lực lượng tại chỗ để kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, cho biết: Chi cục đang tập trung phối hợp với các địa phương trong tỉnh triển khai lực lượng để kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.
Còn theo đại diện Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên, Công ty cũng đang kiểm tra, rà soát, triển khai phương án vận hành và đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa lớn như: Hồ Núi Cốc, Hồ Gò Miếu; hồ Khuôn Nanh…, bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin