L.T.S: Kỳ họp thứ 20 (Kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh khóa XIV có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định nhiều nội dung tác động đến phát triển kinh tế - xã hội. Đây là những vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống của nhân dân. Phóng viên Báo Thái Nguyên phỏng vấn một số cử tri về những nội dung được đặc biệt quan tâm tại kỳ họp này.
Gọn đơn vị hành chính, giảm chi ngân sách
Ông Âu Văn Đoàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Na Mao (Đại Từ). |
Xã Na Mao trước năm 2019 có 14 xóm. Thực hiện chủ trương sáp nhập xóm, tổ dân phố (X,TDP), địa phương sáp nhập các xóm, đã giảm được 7 xóm, giảm được rất đội ngũ không chuyên trách. Trung bình mỗi xóm hiện nay có 7 người trong ban công tác mặt trận (bí thư chi bộ, trưởng xóm, các đoàn thể…).
Qua theo dõi tôi thấy tại Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh thông qua nghị quyết việc sáp nhập 93 X,TDP để thành lập 45 X,TDP tại các xã, phường thuộc 5 huyện, thành phố trong tỉnh. Đây là chủ trương lớn tỉnh đã thực hiện trong nhiều năm qua rất hiệu quả. Qua đó, không chỉ tinh gọn bộ máy, đơn vị hành chính mà còn giảm chi ngân sách cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, không chuyên trách.
Hiện nay, Na Mao đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 3 xóm (Đoàn Kết, Thái Hà, Khuân U) thuộc xã Na Mao vào xã Phú Xuyên để mở rộng địa giới xã Phú Xuyên; nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 4 xóm (Trung Tâm, Cây Lai, Ao Soi và Minh Thắng) thuộc xã Na Mao vào xã Phú Cường. Kết quả số cử tri đã lấy ý kiến là 2.524 người, đạt tỷ lệ 100%, trong đó số đồng ý với chủ trương sáp nhập là 2.485, đạt tỷ lệ 98,45%. Chúng tôi đang tiếp tục triển khai các bước theo đúng kế hoạch của huyện về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Tạo thuận lợi để đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế gia đình
Ông Nguyễn Văn Bảy, Trưởng xóm Hạ, xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên) |
Trước đây, những quy định chính sách của Luật Đất đai chủ yếu tập trung vào nhóm dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo dẫn đến chưa phù hợp với thực tế. Bởi hiện nay, tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhiều hộ dân không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo các tiêu chí nghèo đa chiều, song vẫn còn rất khó khăn nhất là về đất ở.
Qua nắm bắt thông tin tôi biết ngoài chính sách hỗ trợ đất ở cho cá nhân không có đất, đồng bào DTTS chưa có đất sinh hoạt cộng đồng được UBND cấp huyện bố trí quỹ đất sinh hoạt cộng đồng tối thiểu 300m2…Quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp này sẽ góp phần bảo đảm để các hộ gia đình DTTS, nhất là các hộ gặp nhiều khó khăn có thêm điều kiện để vươn lên phát triển kinh tế. Khi nghị quyết được triển khai, không chỉ giải quyết nhu cầu cấp bách về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, mà còn có ý nghĩa đối với việc thi hành phù hợp hơn và hiệu quả hơn chính sách, pháp luật đất đai, hướng tới phát triển bền vững.
Sớm được hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà văn hóa xóm
Ông Nguyễn Văn Thư, Trưởng xóm Điếm, xã Nga My (Phú Bình). |
Nhà văn hóa của xóm Điếm, xã Nga My xây dựng từ năm 2011, có tổng diện tích 80m2, quy mô 50 chỗ ngồi. Hiện nay, do số hộ dân của xóm tăng lên 107 hộ nên không đáp ứng đủ cho sinh hoạt, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho người dân trong xóm. Mặc dù vừa qua, xóm thực hiện mở rộng nhà văn hóa thêm khoảng 44m2 nhưng vẫn chỉ làm tạm các tấm tôn và chỉ dùng để làm kho chứa.
Tôi được biết, tại Kỳ họp HĐND lần này sẽ có Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Phú Bình nỗ lực cán đích nông thôn mới nâng cao. Chính vì vậy, tôi cũng như người dân trong xóm mong muốn khi Nghị quyết được triển khai đi vào cuộc sống, các địa phương tiếp tục rà soát để hỗ trợ các xóm kinh phí để đầu tư xây dựng nhà văn hóa mới để đáp ứng với nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân trong xóm.
Giao chỉ tiêu hợp đồng theo Nghị định số 111 để các trường ổn định đội ngũ
Bà Phạm Thị Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Nha Trang (TP. Thái Nguyên). |
Năm học 2024-2025, Trường THCS Nha Trang có 44 lớp trên 2.000 học sinh. Để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, Trường cần có 86 giáo viên, hiện tại thiếu 16 giáo viên. Thời điểm này chưa có quyết định tuyển giáo viên nên chúng tôi chủ động sắp xếp thời khóa biểu, bố trí giáo viên dạy thêm giờ để đảm bảo theo đúng lịch học. Nhà trường cũng dự kiến nguồn giáo viên để tuyển hợp đồng viên chức theo Nghị định số 111 và định mức khoán.
Tôi được biết tại Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 20 sẽ thông qua Nghị quyết quyết định số lượng hợp đồng lao động chuyên môn, nghiệp vụ cho ngành Giáo dục năm học 2024-2025. Đây là cơ sở để các trường tuyển dụng bổ sung đội ngũ, khắc phục tình trạng thiếu biên chế. Thời gian tới. tôi cũng đề nghị lãnh đạo cấp trên xem xét sớm giao chỉ tiêu tuyển dụng đội ngũ hợp đồng viên chức theo Nghị định số 111 và hợp đồng định mức để các nhà trường tuyển dụng trước thềm năm học mới, giúp ổn định tổ chức. Đề nghị thời gian ký hợp đồng đối với viên chức theo Nghị định số 111 theo năm tài chính (12 tháng) thuận lợi cho các giáo viên.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin