Sáng 7-9, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng dẫn đầu Đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão số 3 (Yagi) tại các thành phố: Thái Nguyên, Sông Công và Phổ Yên.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu Đoàn công tác kiểm tra công trình hồ Núi Cốc. |
Tham gia Đoàn có đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, các sở: Nông nghiệp và PTNT, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương…
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện các công điện của Thủ tướng Chính phủ; công điện và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về phòng, chống bão số 3. |
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và Đoàn công tác kiểm tra hoạt động vận hành xả lũ hồ Núi Cốc; công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua tràn Đá Mài, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên); đập Líp, phường Châu Sơn (TP. Sông Công); tuyến đê Chã, vùng bị ngập xóm Soi Cốc và việc sẵn sàng tiêu úng của trạm bơm tiêu Cống Táo (TP. Phổ Yên).
Thái Nguyên có 434 hồ chứa; 511 đập dâng; 328 trạm bơm và gần 4.000km kênh mương. Riêng Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên được giao quản lý khai thác, bảo vệ 103 hồ chứa (trong đó có 2 hồ chứa có cửa van điều tiết là hồ Núi Cốc và hồ Bảo Linh); 100 đập dâng; 6 trạm bơm và gần 700km kênh mương. Theo dự báo, từ ngày 7-9, Thái Nguyên bắt đầu có mưa lớn, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp, đồng thời yêu cầu các đơn vị trực thuộc chủ động trong mọi tình huống. |
Theo báo cáo của Công ty TNHH Một thành viên (MTV) Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên, quy trình vận hành hồ Núi Cốc do Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt từ tháng 9 đến tháng 10 mực nước hồ cao nhất được giữ trong mùa lũ là 46,2m. Để sẵn sàng xử lý các tình huống do ảnh hưởng của cơn bão số 3, thực hiện Công điện số 13/CĐ-UBND ngày 4/9/2024, Công ty đã chủ động thông báo mở tràn xả lũ hồ Núi Cốc đến các địa phương, tổ chức có liên quan biết và thông tin kịp thời đến người dân phía hạ du sông Công để có biện pháp phòng tránh, chủ động trong sản xuất, sinh hoạt.
Tràn xả lũ hồ Núi Cốc đang được điều tiết xả nước 150m3/s. |
Theo đó, từ 14h ngày 4/9/2024, Công ty điều tiết xả tràn với lưu lượng 50m3/s; đến 14h ngày 6/9/2024 là 150m3/s. 8h ngày 7/9/2024, mực nước đang ở cao trình 45.70m. Dự báo lượng mưa trong 3 ngày tới phổ biến từ 160-300 mm; trong 5 ngày tới phổ biến từ 200-330 mm, Công ty dự kiến vận hành hồ: Ngày 7-9: khoảng 100-200 m3/s (đã điều tiết 150m3/s); ngày 8-9: khoảng 130- 300 m3/s (dự kiến điều tiết 200 m3/s); ngày 9/9: khoảng 60-130 m3/s; ngày 10-9: khoảng 60-70 m3/s; Ngày 11-9: khoảng 40-70 m3/s.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cùng Đoàn công tác kiểm tra tràn Đá Mài, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên). |
Lực lượng chức năng đảm bảo an toàn tại tràn Đá Mài. |
Đối với Trạm bơm tiêu Cống Táo, tổng số 11 tổ máy với công suất là 32.395 m3/h, công suất 1 máy bơm là 2.945 m3/h, động cơ công suất 100kw, ứng với khả năng tiêu úng khoảng 1.500ha diện tích đất nông nghiệp. Để chủ động ứng phó với mưa lũ, Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên đã chủ động kiểm tra toàn bộ hệ thống máy bơm, động cơ điện, hệ thống truyền tải điện, vận hành thử để đảm bảo sẵn sàng cho việc vận hành bơm tiêu úng khi có yêu cầu. Trường hợp với lượng mưa theo dự báo từ 200-300mm trên địa bàn TP. Phổ Yên bị ngập úng không tiêu thoát tự chảy ra sông Cầu (dự kiến tiêu úng cho khoảng 800ha), Công ty sẽ chủ động vận hành bơm để tiêu úng.
Các địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng các phương án, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cùng Đoàn công tác kiểm tra trạm bơm Cống Táo (TP. Phổ Yên). |
Sau khi kiểm tra thực tế và nghe đại diện các địa phương, đơn vị báo cáo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Dũng yêu cầu các cấp, ngành nghiêm túc thực hiện các công điện của Thủ tướng Chính phủ; công điện và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh; đánh giá mức độ rủi ro, nguy cơ và đưa ra từng kịch bản để ứng phó với bão, nhất là việc rà soát các điểm nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống…
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó bão với tinh thần chủ động, không được chủ quan, lơ là, bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng của người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản.
Tập trung rà soát kỹ, triển khai ngay công tác bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ ngập sâu do nước dâng, mưa lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét không bảo đảm an toàn. Đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ, đập, an toàn giao thông, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống phát sinh...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin