Do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, hiện nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đều xảy ra hiện tượng ngập úng, nhất là tại các khu vực nằm ven sông Cầu. Thống kê sơ bộ về thiệt hại (sẽ cao hơn sau khi hoàn tất công tác kiểm đếm), toàn tỉnh có trên 470ha lúa, 7,6ha cây ăn quả bị đổ; trên 300 con gia súc, gia cầm bị chết, 3 chuồng trại bị hỏng…
Đoàn viên, thanh niên hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau bão tại TP. Sông Công |
Cùng với việc vận động nhân dân chuẩn bị các điều kiện để tiến hành vệ sinh môi trường, dọn dẹp nhà cửa sau lũ, các cấp, ngành chức năng đã hướng dẫn bà con tập trung khắc phục hậu quả, thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi, khẩn trương khôi phục, ổn định sản xuất nông nghiệp sau mưa lũ...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 38,1 nghìn héc-ta lúa mùa, trong đó có 85ha đến kỳ thu hoạch. Để chủ động ứng phó với mưa lũ, giảm thiểu thiệt hại, các địa phương đã chỉ đạo bà con nông dân thu hoạch được gần 10ha. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nhiều hộ dân ở khu vực Phú Cốc, phường Tân Phú (TP. Phổ Yên) đã khẩn trương thu hoạch sớm một số diện tích lúa, ngô… Tại huyện Phú Bình, ngành chức năng cùng các địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ bà con nông dân khẩn trương thu hoạch cây trồng bị ngập úng.
Đặc biệt, để phục hồi sản xuất nông nghiệp, ngay sau khi nước rút, các đơn vị chức năng trong tỉnh hướng dẫn nông dân kịp thời khoanh vùng, tiêu úng nhanh, bảo đảm không để lúa, rau màu bị ngập sâu trong thời gian dài; đồng thời phổ biến các biện pháp kỹ thuật chăm sóc những diện tích lúa, rau màu bị ngập. Đối với diện tích lúa bị ngập úng, chết, không thể gieo cấy bổ sung, nông dân được khuyến cáo chuyển sang trồng rau ăn lá, cây ngắn ngày… Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, khuyến cáo: Các địa phương và bà con nông dân cần khẩn trương tiêu úng, khơi thông các dòng chảy, sử dụng máy bơm để thoát nước nhanh; phân loại diện tích lúa bị ngập úng để có biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời; chú ý tiêu nước đệm trên hệ thống kênh mương, hồ đập và giữ nông mặt ruộng để đề phòng mưa lớn tiếp diễn trong thời gian tới...
Cán bộ, chiến sĩ Trường Quân sự Quân khu 1 hỗ trợ người dân gặt lúa tại xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình |
Trong những ngày tới, mưa lũ sẽ qua đi, nước rút, nhưng nhiều diện tích lúa có thể bị nhiễm sâu bệnh hại. Do đó, cơ quan chức năng khuyến cáo các địa phương, đơn vị và nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi sát diễn biến, tình hình thời tiết, sâu bệnh hại cây trồng để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Đặc biệt, phân công cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở xác định, phân loại trà lúa (theo thời gian trổ bông), điều tra, dự báo chính xác thời điểm, mức độ phát sinh và gây hại của các đối tượng sâu bệnh để xây dựng hướng dẫn hoặc phương án phòng trừ. Cùng với đó, phối hợp với các địa phương tập trung tuyên truyền, giúp nông dân xác định rõ từng đối tượng sâu bệnh và biện pháp phòng trừ hiệu quả ngay từ khi còn ở diện hẹp, không để sâu bệnh lây lan thành dịch bệnh.
Nhân dân xã Thượng Đình hợp sức di chuyển đàn vật nuôi đến nơi an toàn |
Đối với chăn nuôi, hiện nay, Thái Nguyên có khoảng 95.000 con trâu bò; 600.000 con lợn và 16 triệu con gia cầm. Khi lũ rút đi, lực lượng chức năng khuyến cao người dân khẩn trương sửa chữa, gia cố để chuồng trại chắc chăn hơn; vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; chú ý chăm sóc và tiêm phòng đầy các loại vắc xin cho đàn vật…
Dự báo thời gian tới, miền Bắc nói chung, Thái Nguyên nói riêng có khả năng đón những đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng. Bởi vậy, ngành Nông nghiệp khuyến cao các địa phương và người dân nên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động các biện pháp ứng phó với những diễn biến xấu do thời tiết gây ra, bảo đảm năng suất các loại cây trồng cũng như an toàn cho đàn vật nuôi…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin