Do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, người dân ở Làng nghề trồng hoa đào Cam Giá, phường Cam Giá (TP. Thái Nguyên), bị thiệt hại khá nặng nề. Trong tổng diện tích trên 30ha trồng đào có 22ha bị ngập úng, hư hỏng, ước thiệt hại gần 22 tỷ đồng. Mặc dù nhiều gia đình mất trắng tiền tỷ nhưng bà con nơi đây không nản, quyết tâm khôi phục lại vườn đào...
Toàn bộ 1.400 gốc đào của gia đình anh Nguyễn Văn Hiển, ở tổ 7, phường Cam Giá (TP. Thái Nguyên), bị chết sau bão lũ. |
Những ngày giữa tháng 9 này, khi chúng tôi trở lại Làng nghề trồng hoa đào Cam Giá, trước mắt là cảnh tượng tan hoang, tiêu điều. Hàng nghìn cây đào các loại bị ngập bùn, đang dần rụng lá, chết khô. Anh Nguyễn Văn Hiển, ở tổ 7, phường Cam Giá, cho biết: Tất cả vốn liếng của gia đình tôi đều đổ hết vào vườn đào. Trong trận lũ vừa qua, nước sông Cầu dâng cao quá khiến toàn bộ 1.400 cây đào (gồm cả đào cổ thụ, đào huyền, đào cành) bị nhấn chìm trong nước. Nay nước đã rút nhưng đào là cây không ưa nước, bị ngâm khoảng 2 ngày thì sẽ chết nên rất khó cứu vãn...
Còn bà Nguyễn Thị Hải Hà, ở tổ 5, chia sẻ: Nhà tôi có hơn 2.000 gốc đào các loại, đều bị hỏng cả. Như mọi năm, thời điểm này chúng tôi đang tập trung chăm sóc đào để chuẩn bị phục vụ thị trường dịp Tết, nhưng năm nay thì mất trắng.
Nhìn ánh mắt đỏ hoe, khuôn mặt thất thần của không ít người trồng đào nơi đây, chúng tôi không khỏi nghẹn lòng. Song, dù bị thiệt hại nặng, khả năng khôi phục lại vườn đào rất khó khăn, nhưng hầu hết bà con không ai muốn chuyển đổi sang cây trồng khác. Họ đều đau đáu, mong muốn được Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí để cải tạo đất, mua giống đào trồng lại.
Anh Hoàng Văn Doanh, ở tổ 4, phường Cam Giá, chia sẻ: 90% diện tích trồng đào (với gần 1.000 cây) của gia đình tôi đã bị hỏng. Nếu tính những cây có khả năng sống thì chỉ còn khoảng 25-30 cây. Gia đình đang tập trung chăm sóc những cây còn hy vọng sống sót để vớt vát được đồng nào hay đồng ấy. Nếu có kinh phí hỗ trợ, gia đình sẽ cuốc bỏ toàn bộ những cây đã hỏng và cải tạo đất, trồng lứa mới cho thu hoạch vào Tết năm sau...
Anh Nguyễn Văn Hiển, ở tổ 7, chia sẻ thêm: Mấy đời gia đình tôi đều sống phụ thuộc vào cây đào nên sẽ quyết tâm trồng lại, chỉ mong được Nhà nước hỗ trợ về vốn để bà con khôi phục vườn đào.
Theo số liệu thống kê, có khoảng 2/3 diện tích đào trên địa bàn phường Cam Giá (TP. Thái Nguyên) bị hư hỏng sau bão. |
Trước những thiệt hại của bà con ở Làng nghề trồng hoa đào, phường Cam Giá đã cử cán bộ chuyên môn tiến hành thống kê, kiểm đếm thiệt hại, đồng thời rà soát nhu cầu, kiến nghị của các hộ bị ảnh hưởng. Trên cơ sở này, phường sẽ kiến nghị với TP. Thái Nguyên và các sở, ngành chức năng của tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ bà con.
Ông Vũ Văn Long, Phó Chủ tịch UBND phường Cam Giá, cho biết: Ngay sau cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão, lãnh đạo Sở Nông nghiệp - PTNT và TP. Thái Nguyên đã xuống kiểm tra, chia sẻ với người dân Làng nghề trồng hoa đào. Cơ quan chức năng đã có đề xuất về việc hỗ trợ cây giống để bà con trồng thay thế vườn đào đã bị hỏng. Tuy nhiên, hầu hết bà con mong muốn được hỗ trợ kinh phí, có thể là ngân hàng cho vay vốn với mức lãi suất ưu đãi nhất để các hộ cải tạo lại vườn đào, khôi phục sản xuất.
Về các biện pháp xử lý trước mắt, người dân đang chủ động dọn dẹp vệ sinh, rắc vôi bột để làm sạch đất, chuẩn bị cho vụ trồng đào mới vào khoảng tháng 11 Âm lịch. Đối với những cây đào không bị ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng nhưng khôi phục được, địa phương cử cán bộ hướng dẫn bà con cách chăm sóc để phục vụ thị trường dịp Tết năm nay...
Với những cây đào có hy vọng sống sót, người dân đang tập trung chăm sóc. |
Nghề trồng đào ở Cam Giá đã có từ những năm 1990, khi một số hộ dân nơi đây chọn mua giống đào ở vùng Nhật Tân (Hà Nội) về trồng. Nhờ phù hợp với thổ nhưỡng, cho thu nhập khá cao nên cây đào ngày càng được nhiều hộ ở phường Cam Giá đưa vào trồng, mở rộng diện tích và chủng loại. Mỗi vụ Tết, tổng doanh thu của các hộ trồng đào trong phường đạt trên 30 tỷ đồng.
Hiện nay, chỉ tính riêng trên 100 hội viên của Làng nghề (chiếm ½ trong tổng số hộ trồng đào ở phường), số lượng đào là trên 30.000 cây, trong đó đào cổ thụ có trên 5.000 cây, đào thế và đào nhỡ trên 10.000 cây, còn lại là đào cành và bon sai.
Nhờ cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều năm qua, đào đã trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở phường Cam Giá. Hoa đào nơi đây đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, được công nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh nhiều năm liền.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin